Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thành, Co Founder Elite Pr School, tại tọa đàm trực tuyến "Đi làm hậu cách ly - Tiếp lửa cho nhân sự" ngày 5/5/2020. Ông Đình Thành đã chia sẻ về câu chuyện nhân sự trong và sau Covid-19, trong đó có những năng lực của người lao động để giúp họ vượt qua - đứng vững sau đại dịch.
Ba năng lực giúp người lao động vượt qua khủng hoảng kinh tế
Theo ông Nguyễn Đình Thành, một người lao động mà có đủ 3 yếu tố dưới đây thì các công ty rất cần và luôn chào đón.
Thứ nhất, sự thích nghi với thay đổi. Bản năng của con người là thích nghi để tồn tại. Covid-19 khiến rất nhiều thứ thay đổi và người lao động phải điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới. Sắp tới công việc sẽ đòi hỏi sự đa năng hơn, khắc nghiệt hơn. Do đó, người lao động phải tự học hỏi, nâng cao trình độ, học cách làm việc online một mình và cùng với những người khác.
Thứ hai, coi công việc chính là danh dự của mình. Ông Đình Thành đưa ra một số nước có văn hóa rõ nét về sự tự hào và xấu hổ lớn đối với công việc như Nhật, Hàn, Đức…. Theo ông, nếu ai đó coi công việc công ty chính là công việc của mình thì họ sẽ làm tốt nhiệm vụ.
"Những người này coi công việc giống như bộ mặt của mình, chứ không coi việc mình đang làm thuộc về công ty", ông Thành nói.
Thứ ba, làm việc đúng đắn ngay cả khi không ai kiểm soát hay theo dõi. Rõ ràng, làm việc ở nhà đòi hỏi tính tự giác rất cao. Và nếu cứ đúng giờ đã hẹn, nhân sự đó giao nộp sản phẩm thì công ty không cần quản lý vì họ làm việc rất hiệu quả.
"Những nhân sự có 3 đức tính trên, công ty nào cũng cần", ông Thành nói.
5 phản ứng khác nhau của người lao động trong Covid-19
Một diễn giả khác, ông Phan Sơn, chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD Academy, cũng chia sẻ một số năng lực mà người lao động cần có trong và sau đại dịch. Ông cho rằng, mỗi người lao động có phản ứng khác nhau trong đại dịch và lựa chọn như thế nào thì sẽ mang lại hiệu quả tương ứng.
Ông Phan Sơn cũng cho rằng, Covid-19 giống như một phép thử đối với người lao động. Và Covid-19 chỉ là một trường hợp. "Trong tương lai, có thể còn nhiều phép thử khác".
Đối mặt với Covid-19, người lao động thường có 5 phản ứng. Thứ nhất là kháng cự, chán nản với công việc. Thứ hai là thờ ơ, kiểu như "Dịch chỉ kéo dài đến tháng 4 là cùng" và buông xuôi. Thứ ba là người lao động làm theo người khác, thấy ai trong hoàn cảnh giống mình làm thế nào thì làm theo như thế. Thứ tư là thích nghi với điều kiện thay đổi mới. Và ở tầm cao hơn là kiến tạo để tạo ra giá trị trong khủng hoảng.
"Người lao động lựa chọn ra sao thì sẽ mang lại kết quả tương ứng", ông Phan Sơn nhận định. Theo ông, những người thích nghi và kiến tạo, họ sẽ đàng hoàng bước qua đại dịch.
"Có khi trong đợt tuyển dụng tới, nhà tuyển dụng sẽ hỏi ứng viên: Anh/chị đã làm gì trong Covid-19? để đánh giá năng lực của người được phỏng vấn", chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD Academy bình luận.
Theo ông Sơn, Covid-19 đã tạo ra những thay đổi lớn lao, đòi hỏi người lao động phải có năng lực để thích ứng và chủ động vượt qua.