Bà Hooi Ling Tan cho biết, Grab đã đóng góp vào Ngân sách Nhà nước Việt Nam gần 140 tỷ đồng chỉ trong vòng 10 tháng ( từ 01/2017-10/2017).
Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 21/11, đại diện của Công ty TNHH GrabTaxi, chi nhánh của Grab tại Việt Nam cũng có mặt. Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trước đó, tại buổi họp báo chuyên đề ngày 27/10, ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Thanh tra, Tổng cục Thuế đã chia sẻ các thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế của Công ty TNHH GrabTaxi trong thời gian hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, Cục Thuế TP HCM đã thanh tra pháp luật thuế 3 năm với đơn vị này. Kết quả đã xử lý vi phạm sau thanh tra gần 3 tỷ đồng, trong đó truy thu thuế xấp xỉ 2,3 tỷ. GrabTaxi đã nộp đủ số thuế nói trên.
Ông Đặng Duy Khanh cho biết thêm, GrabTaxi có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, nhưng số lỗ hiện nay đã lên tới 938 tỷ đồng sau 3 năm hoạt động.
Nguồn tin từ Tổng cục thuế cũng cho biết, số thuế mà Grab nộp không lên tới 140 tỷ đồng.
Hồi tháng 9/2017, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã cho rằng, tổng số thuế phải nộp của Uber và Grab lên tới 67,5 tỷ đồng/tháng (810 tỷ đồng/năm), mỗi ngày có 10 tỷ đồng được chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên, Giám đốc truyền thông GrabTaxi đã phủ nhận thông tin này và coi đây cao buộc “hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ”.
Đại diện GrabTaxi khẳng định rằng, chính sách thuế luôn được công ty nỗ lực tuân thủ. Tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của Grab được bảo đảm với chế độ lưu trữ sổ sách phù hợp với quy định pháp luật và quy tắc thực hành kế toán của Việt Nam. Mỗi năm, việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước của Grab Việt Nam luôn tăng trưởng gần 300%.
Thông tin được bà Hooi Ling Tan, đồng sáng lập Grab chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí, ngày 21/11 tại TP.HCM.
Ngày 16/11, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội về Grab, Uber. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, công tác quản lý thuế vẫn đang được thực hiện và không có chuyện thất thu như nhiều đại biểu nhắc đến. Uber và Grab đã tự giác kê khai thuế. Sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế cũng đã thu thêm từ các đơn vị này.
Chia sẻ ý kiến cá nhân, Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, Nhà nước hiện không thiếu quy định pháp luật để quản lý thuế đối với Uber, Grab và thương mại điện tử. Vấn đề là phải đưa ra những biện pháp quyết liệt nữa.
“Chúng ta có Thông tư 103/2014. Những chính sách đó đưa ra có yêu cầu phải đảm bảo hạn chế đến mức tối đa vấn đề gian lận thuế đối với Uber, Grab hoặc thương mại điện tử hay không thì chưa được. Nhưng nói chúng ta lỗi thời hay chưa có quy định thì không phải. Chúng ta cần đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn, triệt để hơn, phù hợp hơn để quản lý thu thuế tốt nhất, theo tinh thần chỉ đạo chung là Chính phủ kiến tạo và Chính phủ điện tử” – bà Nguyễn Thị Cúc nói.