Bộ Công Thương vừa có công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh .
Theo đó, thương nhân phân phối xăng dầu phải có kho, bể chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng, phương tiện vận tải xăng dầu, nhân viên, cán bộ quản lý trực tiếp kinh doanh có chứng chỉ đào tạo.
Cùng với đó, hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân phân phối xăng dầu phải báo cáo về cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê (từ 05 năm trở lên); cửa hàng trực thuộc thương nhân nhận nhượng quyền bán lẻ xăng dầu ; cửa hàng trực thuộc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu .
Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân phải báo cáo các yêu cầu trên về cơ quan này trước ngày 30/1/2024.
Về quá trình thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu ; Quyết định của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận thanh tra số 1061/KL-TTCP, để triển khai kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân phân phối xăng dầu báo cáo hiện trạng, duy trì, đáp ứng các điều kiện của thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định.
Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm trong việc cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu. Theo đó, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022, Bộ Công thương cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (chưa bao gồm 4 giấy phép cấp cho thương nhân đầu mối xăng dầu cung cấp cho hoạt động hàng không) và cấp 347 Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối.
Bên cạnh đó, việc cho phép thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận chưa khuyến khích các thương nhân đầu mối đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu, dẫn đến khó đáp ứng được yêu cầu về kho dự trữ xăng dầu thương mại. Từ năm 2017 đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện đầu tư xây dựng kho xăng dầu thương mại theo quy hoạch chỉ đạt 15%.
Các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng đầu để đủ điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối ký hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu theo mùa vụ, theo thực tế sử dụng để giảm chi phí.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm ở khâu cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công thương, các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối.
Thêm vào đó, việc thực hiện kiểm tra các điều kiện sau khi cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu còn buông lỏng giám sát.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2017 - 30/6/2022, sau khi được cấp giấy phép, nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong thời gian hoạt động kinh doanh xăng dầu không đảm bảo hệ thông phân phối theo quy định. Dẫn tới, nhiều thương nhân đã thuê kho, bể chứa xăng dầu không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc duy trì điều kiện về kho, bể chứa, về hệ thống phân phối xăng dầu... để xử lý theo quy định.