Điểm đặc biệt của giống dâu tây chịu nhiệt này là có thể phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng bức tại các tỉnh khu vực Tây Nam bộ. Theo anh Sang, ban đầu cây dâu bố mẹ được anh nhập về từ Thái Lan.
Trong quá trình trồng dâu tây chịu nhiệt, anh Sang không ngừng học hỏi, thay đổi về kỹ thuật canh tác nên cây phát triển tốt.
Anh Võ Thanh Sang, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp bên vườn dâu tây chịu nhiệt
Hiện tại, vườn dâu tây chịu nhiệt của anh Sang trồng đã trổ hoa và ra trái. Cây dâu tây được trồng trong chậu với giá thể là xơ dừa, phân hữu cơ và đất.
Do đây là giống dâu tây chịu nhiệt nên khi trồng, chỉ cần che mát bằng lưới chịu nhiệt, không sử dụng hệ thống nhà màng hay phải xử lý làm mát.
Sau 4 tháng ươm trồng, hiện tại, vườn dâu tây của anh Sang có khoảng 4.000 cây giống bố mẹ. Trung bình, mỗi tháng, anh Sang có thể cung cấp cho thị trường trên 4.000 cây dâu tây giống F1, với giá bán dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/cây.
Theo anh Sang, để cây dâu tây chịu nhiệt phát triển và cho trái tốt, người trồng cần quan tâm đến việc chọn giá thể canh tác và điều tiết lượng nước tưới cho cây.
Nếu chủ vườn trồng dâu tây chịu nhiệt có điều kiện về kinh tế có thể đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp việc kiểm soát lượng nước tưới tốt hơn. Đối với trường hợp tưới theo kiểu truyền thống, người trồng dâu tây chịu nhiệt tránh tình trạng tưới dư nước khiến cây dâu tây dễ bị úng và nhiễm bệnh.