Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và HAGL được nhắc tới khá nhiều với những khoản nợ vay và các thương vụ phát hành trái phiếu chuyển đổi sau khi chuyển hướng sang đầu tư cho nông nghiệp.
Điểm chung của ông Đoàn Nguyên Đức và Đặng Văn Thành
Đều thuộc lớp doanh nhân đời đầu sau thời kỳ đổi mới, giữa ông Đặng Văn Thành và ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) có không ít điểm chung và cả chữ “duyên” trên thương trường.
Trong khi ông Đặng Văn Thành từ vai trò Chủ nhiệm HTX Tín dụng Thành Công vào năm 1989, đã tham gia sáng lập Ngân hàng Sacombank chỉ 2 năm sau đó, thì ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku sau khoảng 3 năm trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc.
Cùng những chuyển biến kinh tế - xã hội trong thập niên đầu của thế kỷ XX, những doanh nghiệp mang thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai và Thành Thành Công của hai vị doanh nhân thuộc thế hệ 6x đều vươn mình trở thành những tên tuổi lớn trong nền kinh tế Việt Nam lúc đó.
Song của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ trong giai đoạn 2007 – 2008 đã khiến tăng trưởng kinh tế thế giới lao dốc, hàng loạt tập đoàn lớn tuyên bố phá sản. Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán tụt dốc, bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh càng kinh doanh càng lỗ.
Ông Đặng Văn Thành cũng gặp không ít khó khăn với bài toán cơ cấu nợ vay của TTC Sugar.
Còn Hoàng Anh Gia Lai dưới sự điều hành của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), từ một tập đoàn đa ngành với nguồn thu nhập chính vẫn là bất động sản, xây dựng đã chuyển hướng với mục tiêu trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025.
Về phía ông Đặng Văn Thành, từ vị thế người dẫn đầu trong lĩnh vực ngân hàng, đã rời Sacombank và quay về với mảng mía đường của Tập đoàn Thành Thành Công, nuôi bò Kobe trên Lâm Đồng, trồng chè và làm du lịch. Con gái ông Đặng Văn Thành là bà Đặng Huỳnh Ức My trong thời gian vài năm gần đây cũng liên tục mua gom cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp mía đường.
Và rồi ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Đặng Văn Thành cũng gặp nhau khi hai doanh nghiệp mía đường chủ lực của Thành Thành Công là Công ty CP Đường Biên Hòa và Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh bỏ ra tổng cộng hơn 1.300 tỷ đồng để chuyển nhượng gần 100% vốn cổ phần Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai, sở hữu lần lượt 60% và 40% vốn điều lệ.
Song ít năm gần đây, khi nhắc tới hai vị doanh nhân này, giới đầu tư dường như nhắc nhiều hơn tới dòng tiền kinh doanh âm, những khoản huy động vốn nghìn tỷ thông qua trái phiếu chuyển đổi nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp, cùng chuyển động nhân sự cấp cao phía sau hậu trường.
“Sóng ngầm” ở TTC Sugar nhà ông Đặng Văn Thành
Dù được xác định là 1 trong 5 ngành kinh doanh trụ cột của Tập đoàn Thành Thành Công, song theo thời gian, ngành mía đường với thương hiệu TTC Sugar ngày càng chiếm tỷ trọng nợ lớn.
Theo đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của TTC Sugar trong niên độ 2014 - 2015 là 0,6 lần, còn trong 3 niên độ gần đây đều trên 1,4 lần. Tới niên độ 2017 – 2018, con số này đã lên tới 1,7 lần. Còn ở niên độ 2019 – 2019, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của TTC Sugar là 1,87 lần.
Còn nhớ, tại thời điểm 30/6/2019, nợ phải trả của TTC Sugar là 10.924 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn của TTC Sugar là gần 9.000 tỷ đồng, đã vượt quá tài sản ngắn hạn và chiếm hơn 82% tổng nợ của doanh.
Riêng khoản vay nợ tài chính ngắn hạn là 7.284 tỷ đồng, chiếm 81,2% tổng nợ vay ngắn hạn. Đây là những khoản vay tại nhiều ngân hàng khác nhau, được thế chấp bằng nhiều loại tài sản như quyền sử dụng đất, các khoản phải thu, hàng tồn kho, máy móc thiết bị, cổ phiếu, vùng nguyên liệu...
Còn khoản vay dài hạn của TTC Sugar ở mức 1.848 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng chỉ 619 tỷ đồng, còn lại 1.189 tỷ đồng là trái phiếu.
Vay nợ lớn khiến TTC Sugar phải gánh tới hơn 705 tỷ đồng chi phí lãi vay. Điều này này tác động tiêu cực tới LNST của TTC Sugar trong niên độ 2018 - 2019, khiến nó chỉ còn 268 tỷ đồng, giảm mạnh so niên độ trước dù doanh thu vẫn tăng.
Ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc.
Để giải quyết bài toán nợ vay và chi phí lãi vay, bước sang niên độ 2019 – 2020, TTC Sugar đã công bố thông tin bán ra hơn 61,6 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 10,5% vốn điều lệ. Kết quả, tháng 10/2019, mẹ con bà Huỳnh Bích Ngọc và Đặng Huỳnh Ức My đã mua toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà TTC Sugar bán ra.
Ngoài ra, tháng 9/2019, HĐQT của TTC Sugar đã quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với hai nội dung quan trọng đáng chú ý. Thứ nhất, TTC Sugar sẽ sửa đổi, bổ sung Điều lệ và thực hiện mua lại cổ phần ưu đãi có quyền chuyển đổi đã được TTC Sugar phát hành theo Nghị quyết số 01/2018/NQ - ĐHĐCĐ ngày 17/10/2018 để chuẩn bị cho việc hợp tác với các nhà đầu tư trong dài hạn. Thứ hai, phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn tối thiểu 3 năm để tái cấu trúc tài chính, giảm nợ ngắn hạn.
Cụ thể, số cổ phần ưu đãi có quyền chuyển đổi nói trên được phát hành cho mục đích tái tài trợ khoản đầu tư nhận chuyển nhượng Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu (tái cấu trúc nợ vay 900 tỷ đồng), đầu tư cơ giới hóa (đầu tư cho nhà máy tại Attapeu 434 tỷ đồng).
Còn với kế hoạch phát hành 2.400 trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối thiểu là 3 năm, lãi suất được thỏa thuận cụ thể với nhà đầu tư. Số tiền dự kiến thu về 2.400 tỷ đồng được sử dụng nhằm tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp theo hướng giảm nợ ngắn hạn, chuyển sang nợ dài hạn.
Về nhân sự, đáng chú ý nhất là thông tin bà Huỳnh Bích Ngọc – vợ ông Đặng Văn Thành cũng chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT TTC Sugar từ ngày 29/10.
Kết quả, kết thúc 6 tháng đầu niên độ 2019 – 2020, dù TTC Sugar ghi nhận con số doanh thu 6.261 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ niên độ trước. Còn LNST cũng đạt 44,8 tỷ đồng, tăng tới 22 lần so với cùng kỳ niên độ trước.
Song lưu chuyển tiền thuần của TTC Sugar âm 442 tỷ đồng do lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm tới 2.079 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định do tăng đầu tư, mua sắm tài sản cố định và góp vốn vào các đơn vị khác.
Mới đây nhất, TTC Sugar tiếp tục thông qua phương án triển khai phát hành trái phiếu chuyển đổi nhằm tái cấu trúc tài chính. Khối lượng dự kiến 1.200 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị phát hành tối đa 1.200 tỷ đồng.
Lãi suất dự kiến là 3,5%/năm, đồng thời con số có thể thay đổi theo thỏa thuận giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư. Trái phiếu đợt này là trái phiếu chuyển đổi, phát hành riêng lẻ và có bảo đảm bằng tài sản, kỳ hạn 3 năm.
Nhắc tới đây, có thể thấy hai điểm. Đầu tiên, khoản vay ngắn hạn dù đã giảm song vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn của TTC Sugar. Trong đó, khoản vay ngắn hạn ngân hàng trị giá 5.376 tỷ đồng chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 87% các khoản vay ngắn hạn. Đồng thời, chiếm tỷ trọng 68,5% tính trên tổng giá trị các khoản vay và nợ thuê tài chính. Theo đó, các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng được sử dụng để bổ sung nhu cầu vốn lưu động của Nhóm Công ty và chịu lãi suất thị trường.
Thứ hai, doanh nghiệp đang có xu hướng gia tăng đầu tư dài hạn. Tổng tài sản của TTC Sugar tại ngày 31/12/2019 là 17.3340 tỷ đồng, chủ yếu do gia tăng giá trị tài sản dài hạn. Theo đó, tỷ trọng tài sàn dài hạn đã vươn lên chiếm 44,8% trong tổng tài sản, tương ứng 7.767 tỷ đồng. Xu hướng đầu tư vào tài sản dài hạn đang gia tăng mạnh, thể hiện dạng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh từ 197,6 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2018, tăng gần gấp 2 lần, lên mức 375,4 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
Giá trị bất động sản đầu tư mới trong vòng 1 năm qua cũng được thể hiện qua con số nguyên giá tính tới 31/12/2019 là 395,9 tỷ đồng, trong khi giá trị hao mòn luỹ kế chỉ hơn 20 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2018, hai con số này là 205,8 tỷ đồng và 29,06 tỷ đồng.
Dù dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TTC Sugar vẫn dương, lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tăn trưởng, song về lý thuyết, thực tế vừa nêu có thể dẫn tới một rủi ro, đó là trường hợp nguồn vốn ngắn hạn bị lạm dụng cho đầu tư dài hạn có thể đẩy doanh nghiệp vào trạng thái bấp bênh về tài chính.
Và với động thái bổ nhiệm bà Đoàn Vũ Uyên Duyên giữ chức vụ Quyền Phó Tổng Giám đốc thường trực và bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ chức vụ Quyền Giám đốc Tài chính kể từ ngày 3/2/2020, TTC Sugar có quyền kỳ vọng vào một cấu trúc tài chính khỏe mạnh, với danh mục nguồn vốn được tái cấu trúc theo hướng cân bằng, linh hoạt và ổn định hơn.