Hàng loạt cổ phiếu của đại gia Việt thăng hoa trong bối cảnh dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam và mang đến lợi ích không nhỏ cho các ông lớn bất động sản công nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài phiên gần đây ghi nhận thanh khoản ở mức cao. Dòng tiền tiếp tục đổ vào kênh đầu tư này cho dù các doanh nghiệp trên sàn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Những thông tin tích cực trên thị trường tài chính Mỹ gần đây giúp ông Donald Trump có thêm lợi thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2. Nó cũng khiến giới đầu tư đánh cược vào khả năng căng thẳng Mỹ-Trung còn kéo dài.
Tại Việt Nam, dòng tiền tiếp tục dồn vào nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp với kỳ vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ còn đổ mạnh vào Việt Nam, trong bối cảnh các nước đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong phiên giao dịch sáng 28/8, cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu tiếp tục tăng mạnh, thêm 5,9% lên 30.300 đồng/cp sau khi đã tăng trần liên tục trong 2 phiên trước đó (mỗi phiên thêm 7%). Tính từ đầu tháng 4 cho tới nay, cổ phiếu LHG đã tăng gấp 3 lần, từ mức 10.000 đồng/cp lên trên 30.000 đồng/cp như hiện tại.
Cổ phiếu bất động sản công nghiệp SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG cũng có mức tăng ấn tượng. Sáng 28/8, SIP tăng 2,4% lên 95.000 đồng/cp sau khi đã tăng 3,7% trong phiên liền trước. Cổ phiếu này đã tăng từ mức 60.000 đồng/cp hồi cuối tháng 3 lên mức cao như hiện tại.
Itaco (ITA) của chị em nhà ông Đặng Thành Tâm-bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng tăng mạnh gấp hơn 2 lần, từ mức 2.000 đồng/cp lên 4.570 đồng/cp như hiện tại. Một số cổ phiếu bất động sản công nghiệp khác cũng tăng mạnh như SNZ, TID…
Các cổ phiếu bất động sản công nghiệp, trong đó có Itaco của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến tăng giá trong bối cảnh kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu này lên cao hiếm có.
Mặc dù Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều nước, nhưng kỳ vọng cho nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp vẫn lớn, nhất là các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, bao gồm cả các doanh nghiệp cao su.
Dự báo, dòng dịch chuyển vốn nếu xảy ra cũng cần một vài năm nhưng các thông tin mới cũng đủ làm nóng nhóm cổ phiếu này. Về trung và dại hạn, Việt Nam vẫn được dự báo là một thị trường tiềm năng và là điểm đến cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhờ quy mô dân số lớn, vị trí đắc địa trong khu vực và thuận tiện về giao thông đường biển.
Thống kê kết quả kinh doanh quý II cho thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp lãi lớn, với vị trí quán quân tăng trưởng thuộc về SIP, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong quý II nghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gần gấp 8 lần quý I lên 371 tỷ đồng. Lợi nhuận quý II của Sonadezi cũng tăng trưởng 52% so với quý I.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 28/8, chỉ số VN-Index tăng lên sát ngưỡng 880 điểm.
Theo Rồng Việt, VN-Index vẫn đang trong quá trình thăm dò ở vùng thử thách 870-878 điểm. Mặc dù có động thái hỗ trợ nhẹ cuối phiên hôm qua nhưng áp lực cản từ vùng 878 điểm vẫn còn. Thị trường cần chờ động thái vượt vùng thử thách của VN-Index, lúc đó xu hướng tăng sẽ được củng cố.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/8, VN-Index tăng 1,24 điểm lên 874,71 điểm; HNX-Index tăng 1,03 điểm lên 124,92 điểm. Upcom-Index tăng 0,52 điểm lên 59,05 điểm. Thanh khoản đạt 7,0 nghìn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), tới cuối giờ sáng 28/8, chỉ số VN-Index tăng lên trên ngưỡng 880 điểm nhờ sự bứt phá của một số cổ phiếu lớn, trong đó có Thế Giới Di Động (MWG) tăng 3.800 đồng lên 92.700 đồng/cp; Masan tăng 1.500 đồng lên 55.100 đồng/cp…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng cũng thu hút dòng tiền khá tốt với nhiều mã tăng như BIDV, Vietinbank, ACB, Vietcombank, MBBank, Chứng khoán Sài Gòn SSI… Nhóm cổ phiếu nhóm khu công nghiệp, bất động sản, xây dựng, hạ tầng cũng tăng điểm tích cực.
V. Hà