Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến cho sức mạnh của "các vị vua" được phát huy tối đa đưa VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại phiên 24/11 đạt mốc 1488 điểm. Nhiều cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay có mức tăng trần như OCB tăng lên 29.950 đồng/cổ phiếu. MBB tăng lên 30.900 đồng/cổ phiếu, STB tăng lên 30.450 đồng/cổ phiếu, VIB tăng lên 44.800 đồng/cổ phiếu, EIB lên 29.400 đồng/cổ phiếu… Các cổ phiếu ngân hàng cũng có mức tăng mạnh trên 4% như TCB, CTG, ACB, LPB...
Đáng chú ý một số ngân hàng ở UpCoM có mức tăng mạnh gồm ABB tăng 7,6% lên trên 24.000 đồng/cổ phiếu, BVB tăng 7,3% chạm ngưỡng 26.500 đồng/cổ phiếu…
Dòng tiền cuồn cuộn vào cổ phiếu ngân hàng đẩy thanh khoản nhóm ngân hàng tăng mạnh: STB thanh khoản vọt lên 67 triệu cổ phiếu, TCB thanh khoản 51 triệu cổ phiếu, CTG thanh khoản 24,8 triệu cổ phiếu, MBB đạt thanh khoản 43 triệu cổ phiếu...
"Chiến binh" công phá mốc 1.500
Giới tài chính cho rằng đã đến lúc "cổ phiếu vua" đưa VN-Index công phá mốc 1.500, đưa VN-Index vượt qua mốc 1.500 điểm. Đà tăng của cổ phiếu ngân hàng xuất phát từ thông tin hỗ trợ về việc nới hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho một số ngân hàng.
Trên thị trường tài chính hiện đang có tăng tín dụng cho loạt các ngân hàng lớn. Điều này làm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục "thăng hoa", động lực lớn cho VN-Index chinh phục đỉnh mới.
Cụ thể, theo nguồn tin của chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có cuộc họp về tín dụng. Theo đó, room tín dụng được nới ra với một số ngân hàng tư nhân chẳng hạn: LPB được nâng room 18.1%; HDB là 15%; Vietbank 15.69%; VIB 19.1%; MSB 22%; TPB 23.4%; TCB 22.1%; VPB 17.1%…
Về phía các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, room tín dụng ở mức như sau: MBB 21%; CTG 12.5%; VCB 15%…
Như vậy, mức nới room mạnh mẽ này có thể thấy, một lượng lớn tín dụng sẽ được bung ra dịp cuối quý 4/2021 để phục vụ nhu cầu tín dụng tăng lên dịp Tết nguyên đán.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho hay, việc tăng trưởng tín dụng này là hoạt động thường niên của các ngân hàng theo từng giai đoạn. Mức room tín dụng này tuỳ thuộc các ngân hàng, nếu room mà nhiều các ngân hàng có dư địa để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng lên trước thời điểm Tết Nguyên Đán.
Việc nới room tín dụng cho các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước dựa trên rất nhiều tiêu chí đảm bảo tiêu chuẩn, chỉ tiêu nợ xấu. Những ngân hàng được chỉ tiêu tín dụng cao, ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng tốt từ đó có thể tác động tích cực đến kết quả kinh doanh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn hoá lớn, hút tiền nhiều chắc chắn sẽ tác động lớn tích cực đến chỉ số VN-Index nhưng không chỉ do việc nới room tín dụng này vì đây là hoạt động thường kỳ mà giới đầu tư đều đã lường trước rồi.
"Động lực lớn nhất cho cổ phiếu ngân hàng đi lên vẫn là hoạt động kinh doanh của ngân hàng, dòng tiền trên thị trường đang rất là nhiều, dòng tiền vừa rồi chốt lời ở nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu thép họ vẫn đang tiếp tục khao khát tìm kiếm các cơ hội đầu tư sinh lời mới trên thị trường. Tại thời điểm này, cổ phiếu ngân hàng đang có những thông tin tích cực, dòng tiền lớn nên cần chọn những nhóm cổ phiếu lớn, vốn hoá lớn đủ sức để hấp thụ hết", ông Tuấn nhận định.
Theo vị chuyên gia, thị trường có nhiều nhóm cổ phiếu để đầu tư vì dòng tiền luôn luân chuyển. Nhóm ngân hàng là nhóm có vốn hoá lớn, chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index nên nếu có tăng thì sẽ tác động lớn về mặt chỉ số cho VN-Index.
"Dòng tiền đầu tư trên thị trường đang rất dồi dào, họ đang cố gắng tìm kiếm các cơ hội đầu tư, dòng tiền luân chuyển hết nhóm này đến nhóm khác, thời điểm này nhà đầu tư chốt lời một phần bất động sản và thép nên luân chuyển một phần sang cổ phiếu ngân hàng. Dòng tiền luôn luân chuyển đến lúc chảy vào cổ phiếu ngân hàng, đó là tính thời điểm thôi, còn nếu bảo cổ phiếu ngân hàng tăng thì VN-Index mới tăng thì hoàn toàn không phải, bởi giai đoạn vừa rồi cổ phiếu bank không tăng nhưng VN-Index vẫn tăng cả trăm điểm nhờ các dòng cổ phiếu khác", ông Tuấn đánh giá thị trường thời gian tới có xu hướng tích cực, về cơ bản thị trường vẫn được hỗ trợ bởi kinh tế vĩ mô, xu hướng phục hồi rất rõ ràng, lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng trưởng tốt. Khối nhà đầu tư mới, dòng tiền mới tham gia thị trường vẫn lớn. Thị trường chứng khoán nhiều khả năng vẫn còn đi lên mạnh hơn nữa.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi trong bài góc nhìn chuyên gia cuối tuần, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cũng cho biết, dòng tiền tuần này sẽ phân hoá, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng vì đã tích luỹ đủ lâu sẽ tăng trở lại trong khi cổ phiếu vốn hoá nhỏ, vừa sẽ điều chỉnh. "Có thể dòng tiền lớn sẽ đánh bank, cổ phiếu lớn và thị trường sẽ ngược với giai đoạn vừa rồi, cổ phiếu bank và cổ phiếu lớn VN30 cứ tăng còn cổ phiếu midcap và penny sẽ điều chỉnh. Việc dòng tiền luân phiên sẽ giữ cho thị trường điều chỉnh nhưng không bị giảm sâu", ông Minh cho hay.
Chất lượng tài sản ngân hàng chưa chuyển biến xấu, tăng trưởng tín dụng dự báo 13% cả năm 2021
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho biết đến hết quý 3, dư nợ tín dụng tăng trưởng vẫn khả quan ở mức xấp xỉ 7,4% từ đầu năm, cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh việc dần mở cửa lại nền kinh tế bắt đầu từ nửa sau tháng 9/2021, tăng trưởng tín dụng cũng được kỳ vọng ghi nhận mức tăng tốt trong quý cuối năm như các năm trước.
"Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành 2021 khoảng 13% trong kịch bản lạc quan, so với mức tăng trưởng kỳ vọng trong kịch bản cơ bản của Ngân hàng nhà nước là 9-10%".
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng, MAS đánh giá chất lượng tài sản được kỳ vọng vẫn chưa chuyển biến xấu khi các ngân hàng vẫn được phép tái cơ cấu nợ cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đến giữa 2022, ngoài ra, các điều kiện có thể được điều chỉnh linh động trong trường hợp cần thiết.
NHNN ban hành Thông tư số 14 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 7/9/2021. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 30/6/2022.
Một số ngân hàng đã công bố giảm lãi suất khoảng 0,5%p cho các khách hàng đang hoạt động trong các khu vực bị ảnh hưởng như TP.HCM hay Bình Dương. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng cấp thêm gói tín dụng với lãi suất cao hơn không đáng kể so với lãi suất của trái phiếu chính phủ. Việc tăng cường các gói hỗ trợ trước mắt sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng trong ngắn hạn, trong khi khả năng kiềm chế dịch và tốc độ phục hồi của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng trong trung hạn.
Trong bối cảnh các ngân hàng tiến hành cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trong các tháng cuối năm 2021 theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước, MAS cho rằng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các ngân hàng, trong đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần với chất lượng tài sản tốt và nắm giữ danh mục khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ có nhiều tiềm năng hơn. Bên cạnh đó, khả năng tăng dư nợ cho vay cũng là yếu tố được cân nhắc khi số lượng khách hàng đủ tiêu chuẩn sẽ ngày càng ít, dẫn tới cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
"Mặc dù được kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tốt trong quý cuối năm, chúng tôi cho rằng mặt bằng chung NIM của các ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực bởi các lý do: Các gói hỗ trợ/miễn giảm lãi suất; và phân khúc dẫn dắt tăng trưởng tín dụng sẽ là cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu, phân khúc tín dụng có lợi suất thấp hơn so với cho vay cá nhân. Mức định giá chung hiện tại của ngành ngân hàng tương đối phân mảnh. Các ngân hàng lớn có mức định giá P/B trung bình là 2,4x, tiệm cận với mức định giá cao trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, các ngân hàng hàng tầm trung lại có mức định giá hấp dẫn hơn với P/B trung bình khoảng 1,7-1,8x", báo cáo Mirae Asset cho biết.