Thị trường đang chứng kiến sự dịch chuyển của dòng tiền vào nhóm các cổ phiếu hàng hoá - thực phẩm, khiến nhiều cổ phiếu trong nhóm này tăng mạnh, thậm chí tăng trần nhiều phiên liền. Kể cả doanh nghiệp lỗ cũng "tím" vì kỳ vọng kết quả kinh doanh hồi phục quý 4 và năm 2022. Giới đầu tư cho rằng nền kinh tế Việt thường có độ trễ so với thế giới 3-6 tháng so với diễn biến kinh tế thế giới.
Áp lực lạm phát đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc ngay cả khi tăng trưởng chậm lại. Giá lương thực và các mặt hàng khác tại Trung Quốc đang tăng chóng mặt. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, giá thực phẩm tại đất nước 1,4 tỷ dân ghi nhận mức tăng hàng tuần trong tháng 10. Từ ngày 25 đến 31/10, rổ hàng hóa gồm 30 loại rau đã tăng 6,6% so với tuần trước đó lên 5,99 NDT/kg. Trong tuần 20-26/9, giá chỉ 4,39 NDT/kg.
Theo Nikkei Asia Review, các công ty như Foshan Haitian Flavouring & Food, Jiangsu Hengshun Vinegar Industry, Chacha Food,… đều thông báo tăng giá các loại mặt hàng, có sản phẩm tăng tới 18% so với tháng trước. Cả ba doanh nghiệp trên đều đưa ra lý do cho việc tăng giá sản phẩm là vì chi phí sản xuất cao. Không những giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các nhà sản xuất trên cho rằng họ phải đối mặt với áp lực về chi phí vận chuyển và lao động.
Theo Reuters, người dân Bắc Kinh đang dự trữ rất nhiều loại lương thực như bắp cải, gạo và bột mì sau khi Bộ Thương mại nước này kêu gọi người dân dự trữ nhu yếu phẩm.
Dòng tiền đổ xô mua cổ phiếu thực phẩm, hàng hoá
Trên sàn chứng khoán Việt, hưởng ứng cơn sốt gạo ở thị trường Trung Quốc, cổ phiếu các công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng tăng giá khá mạnh. Cổ phiếu TAR của Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đang tăng 6,6% trong phiên hôm nay. Phiên 5/11, TAR cũng tăng trần tới 9,7%. Chỉ tính từ đầu tháng 11, TAR đã tăng giá ấn tượng từ 33.700 đồng lên mức 42.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên sáng nay, tức tăng nóng 25% chỉ vài ngày.
Công ty cổ phần Lộc Trời (mã: :LTG) tăng từ mức 41.700 đồng lên mức 43.900 đồng/cổ phiếu sau 5 phiên. Phiên giao dịch hôm nay, LTG đang tăng giá 3% lên mức 44.600 đồng/cổ phiếu. LTG là công ty có lượng tồn kho gạo rất lớn trên thị trường.
Hầu hết lợi nhuận các doanh nghiệp gạo gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý 3 song giới đầu tư kỳ vọng vào đà hồi phục và tăng giá của hàng hoá trong quý 4/2021 và năm 2022.
Các cổ phiếu thực phẩm, nông sản tăng giá mạnh mẽ
Tập đoàn Dabaco (mã: DBC) chốt phiên sáng nay đã tăng 4,1% lên mức 66.400 đồng/cổ phiếu. Trước đó, trong phiên 5.11, DBC cũng tăng trần với kỳ vọng giá lợn phục hồi và làn sóng tăng giá của thực phẩm sắp tới.
Riêng Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) chốt phiên sáng nay đã tăng trần lên mức 6.140 đồng/cổ phiếu, thanh khoản vượt 20,6 triệu cổ. Dòng tiền Dòng tiền đổ xô vào mua cổ phiếu HA, thanh khoản phiên 5/11 lên 33 triệu cổ phiếu.
Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã: HNG) cũng tăng trần trong phiên sáng nay lên mức 8.430 đồng/cổ phiếu, thanh khoản bùng nổ với 16,6 triệu đơn vị.
Những nhà đầu tư HAG, HNG kỳ vọng sự tăng giá của hàng hoá Trung Quốc sẽ hỗ trợ đầu ra cho HAG khi công ty có thị trường xuất khẩu trái cây, nông sản chính vào thị trường 1,4 tỷ dân này.
Dòng tiền cũng tìm đến nhóm cổ phiếu thuỷ sản khiến các cổ phiếu tăng giá nóng
Công ty Cổ phần Camimex Group (mã CMX) tăng giá ấn tượng, chốt phiên sáng nay CMX tăng 4,6% lên 19.450 đồng/cổ phiếu, thanh. khoản gần 3,7 triệu cổ phiếu. CMX có đà tăng nóng kể từ đầu tháng 11 khi tăng từ mức 16.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 20%.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã: MPC, UpCoM) có khởi đầu tháng 11 ấn tượng với cổ phiếu tăng ấn tượng từ mức 41.800 đồng lên 47.100 đồng/cổ phiếu, tức chỉ 5 phiên, MPC đã tăng giá 12,6%. Quý 3/2021, công ty mẹ Thuỷ sản Minh Phú báo lãi 231 try đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu giảm nhẹ về mức 2.700 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Công ty trực thuộc Tập đoàn PAN là Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cũng có mở đầu tháng 11 không thể tốt hơn khi cổ phiếu tăng trần ngay 5/11. Chỉ 5 phiên đầu tháng 11, FMC đã tăng từ 49.000 đồng lên mức 52.900 đồng/cổ phiếu. Chi phí cước tàu tăng mạnh, quý 3 FMC chỉ đạt 1.625 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 10% xuống 64 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Cổ phiếu cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) có đà tăng giá mạnh mẽ kể từ đầu tháng 8 trở lại đây khi tăng từ 40.000 đồng/cổ phiếu lên mức 66.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 67%. Đà tăng giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi cổ phiếu VHC vẫn được mua vào mạnh và tăng giá trong những phiên gần đây với kỳ vọng xuất khẩu mạnh dịp cuối năm. Quý 3, VHC đạt doanh thu 2.230 tỷ, tăng 24% nhưng kết quả kinh doanh gấp đôi so với cùng kỳ đạt 409 tỷ.
Luỹ kế 3 quý đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 6.361 tỷ đồng, tăng 25%, lợi nhuận sau thuế tăng 17% lên mức 646 tỷ đồng.
Bản thân công ty trong khủng hoảng 2020 -2021 vẫn luôn tin tưởng vào sự phát triển của thị trường thuỷ sản. Mới đây nhất, VHC đã rót thêm 145 tỷ đồng cho dự án xây dựng nhà máy thức ăn thuỷ sản. Theo kế hoạch đề ra cho năm nay, VHC dự kiến chi 1.300 tỷ đồng đầu tư với 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống Vĩnh Hoàn và sở hữu đất cho khu liên hợp nông nghiệp thuỷ sản công nghệ cao.
Cùng chung dòng cá tra xuất khẩu, Công ty cổ phần Việt Nam (mã ANV) cũng có cổ phiếu tăng giá mạnh 11% chỉ trong 2 phiên 4-5/11 nhờ kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc. ANV là công ty chế biến cá tra, thị trường xuất khẩu lớn ở Trung Quốc. Cổ phiếu ANV tăng giá mạnh kể từ đầu tháng 10 từ mức 30.000 đồng lên mức 38.000 đồng/cổ phiếu, bất chấp kinh doanh thu lỗ 13 tỷ đồng trong quý 3/2021. Giới đầu tư trả giá cao cho ANV vì kì vọng vào đà phục hồi với trọng điểm thị trường Trung Quốc của công ty.
Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (mã: PAN) hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, hàng hoá đã có đà tăng ấn tượng bất chấp quỹ ngoại, nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng. 5 phiên đầu tháng 11, PAN đã tăng giá từ 32.400 đồng/cổ phiếu, lên mức 34.200 đồng/cổ phiếu.
Một số cổ phiếu hàng hoá, thực phẩm khác cũng có đà tăng giá mạnh như Mía đường Thành Thành Công - Biên Hoà (mã: SBT) khi tăng chạm trần phiên sáng nay với thanh khoản vượt 14 triệu đơn vị, giá SBT lên 24.800 đồng/cổ phiếu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (mã: IDI), Công ty Cổ phần Nafoods Group (NAF)…
Lạm phát tại Việt Nam có đáng lo ngại?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết CPI năm 2020 được dự báo ở mức 2% năm 2021 tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra 5/11. Tuy vậy, bước sang năm 2022, trên thế giới và trong nước có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, khiến nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đồng thời sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát.
Tính chung 10 tháng 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ - đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá nguyên liệu trên thế giới như xăng dầu, than, kể cả giá vận chuyển, không những tăng mà còn tăng rất cao. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến CPI.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital trong một báo cáo phân tích mới đây có nhấn mạnh, giá bán tăng cao giúp các nhà sản xuất nguyên liệu đầu vào gia tăng lợi nhuận, nhưng các công ty cung cấp hàng tiêu dùng lại giảm tỷ suất lợi nhuận.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, ngành sản xuất hàng hóa không tác động nhiều tới sự tăng, giảm của các chỉ số chứng khoán. Song, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp tới 15% vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam, cao hơn so với tỷ lệ dưới 10%/GDP ở một số thị trường mới nổi là với những quốc gia sản xuất hàng hóa lớn, như: Brazil, Argentina và Malaysia.
Hơn nữa, khoảng 40% lực lượng lao động tại Việt Nam vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, do đó, giá hàng hóa nguyên liệu tăng cao góp phần tăng thu nhập đối với 2/3 dân số sống ở ngoại ô và nông thôn.