Khoản vay 100 triệu USD từ một ngân hàng nội địa, trong kế hoạch mua 4 máy bay Airbus A321, thời hạn 10 năm.
Phát biểu trên của Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh khi đó được ông giải thích luôn: ngân hàng cho vay xong cứ yên tâm để hồ sơ trong tủ, vì trước nay hãng chưa từng có nợ xấu, chưa từng trả chậm một đồng vốn vay nào…
Không những vậy, hãng hàng không lớn nhất Việt Nam này sở hữu dòng tiền mà bất cứ ngân hàng nào cũng muốn tiếp cận.
Đầu tuần này, thông tin cập nhật được chú ý: ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4 này…
Rủi ro khách quan. Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực và mạnh mẽ đến hầu khắp doanh nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực vận tải. Như lúc này, cao điểm cả nước thực hiện “giãn cách xã hội”, lưu lượng xe đang ám ảnh khối nợ các dự án BOT vì “giãn cách” dòng tiền.
Với những trường hợp như trên, dĩ nhiên ngân hàng lo lắng.
Trên thị trường liên ngân hàng, chỉ trong một tuần trở lại đây, lãi suất VND bình quân qua đêm đã tăng đột biến, vượt mốc 3,5%/năm. Bình quân, có nghĩa là có những khoản phải trả lãi suất cao hơn nữa.
Lùi về trước một tuần, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng qua đêm chỉ nằm dưới 2%/năm. Lùi tiếp một tuần nữa, chỉ 0,96%/năm.
Trong khi đó, cũng gần một tuần qua thị trường chứng kiến Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng lượng tiền lớn ra hỗ trợ hệ thống qua thị trường mở (OMO), hơn 23.000 tỷ đồng qua bốn phiên liền (tính đến ngày 6/4).
OMO là kênh hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống. Vậy thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện có vấn đề gì, khi mà chỉ sau một tuần đã có những thay đổi lớn như trên, khi mà trước đó vẫn còn trạng thái dư thừa tiền lớn?
BizLIVE tham vấn ý kiến chuyên gia, câu trả lời: “Dòng tiền trong nền kinh tế bị ngừng trệ vì cách ly xã hội, vì tác động của COVID-19 làm đứt hoặc nghẽn các vòng quay. Cũng để ý thêm, tốc độ huy động vốn của hệ thống rất thấp, thấp hơn cả tăng trưởng tín dụng”.
Tập hợp dữ liệu cho thấy, tăng trưởng huy động vốn ngân hàng hiện đang ở vùng ảm đạm nhất trong nhiều năm. Cụ thể, tính từ đầu năm đến 20/3 toàn hệ thống mới chỉ tăng huy động được 0,51%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ suốt những năm 2015 trở lại đây.
Tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tính từ đầu năm đến thời điểm thống kê so với cuối năm liền trước (đơn vị: %; nguồn: Tổng cục Thống kê)
Thêm nữa, theo chuyên gia nói trên, cũng như tình hình trên thế giới, “tiền mặt là vua”, một bộ phận doanh nghiệp và người dân chọn tiền mặt phòng thủ trước đại dịch, không tham gia lưu thông hoặc không đưa vào vòng quay sản xuất kinh doanh như thông thường, dòng tiền ngân hàng thêm phần “giãn cách xã hội”.
Nhưng, đáng ngại hơn, tại thời điểm này là tình huống dòng tiền mắc kẹt từ nợ không xấu, không trở lại vòng quay để ngân hàng điều hòa nguồn.
Nợ không xấu nhưng tiền lại không/chưa quay về. Vì một tháng trở lại đây các ngân hàng bắt đầu thực hiện cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm. Giả sử như trường hợp Vietnam Airlines nói trên, tiền chậm trả, nếu được cơ cấu lại nợ thì không phải nợ xấu nhưng bản chất dòng tiền vẫn bị gián đoạn, cho vay đi mà chưa về đúng hẹn để ngân hàng cân nguồn và thanh khoản.
Theo dữ liệu cập nhật cơ bản gần đây, bước đầu xác định có hơn 900 nghìn tỷ đồng dư nợ ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dòng tiền bị giãn cách ở đây là đáng chú ý, mà lãi suất liên ngân hàng hay một số nhà băng nâng lãi suất huy động trên thị trường dân cư mới chỉ là biểu hiện bên ngoài.
Nhưng, biểu hiện đó có thể sớm được xử lý, hoặc hạn chế đột biến thêm.
Như trên, Ngân hàng Nhà nước vừa bơm ròng lượng tiền khá lớn hỗ trợ qua OMO.
Song song, như BizLIVE cập nhật gần đây, hệ thống vẫn còn của để dành khoảng 147.000 tỷ đồng gửi ở tín phiếu ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu dần dần đáo hạn từ 20/4 tới.
Ở OMO, ngân hàng muốn mượn vốn phải có giấy tờ có giá để cầm cố, gọi là Ngân hàng Nhà nước mua lại có kỳ hạn. Trường hợp không có tài sản này, họ phải vay mượn trên liên ngân hàng với chi phí thường cao hơn. Trường hợp cuối cùng, với Thông tư số 24 có hiệu lực từ ngày 18/01/2020, họ vẫn có thể vay Ngân hàng Nhà nước qua cửa sổ thế chấp hồ sơ tín dụng của mình.
Theo đó, nhà điều hành có nhiều công cụ, kênh để dẫn nguồn hỗ trợ thanh khoản hệ thống và bình ổn các biểu hiện đột biến nào đó.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ và các kênh bơm là có giới hạn. Nếu dòng tiền tiếp tục “giãn cách xã hội” và kéo dài bởi COVID-19, tiền kẹt nhiều hơn ở nợ không xấu nói trên, thì lãi suất tăng trở lại là một khả năng.
Vậy nên, ngay từ khi dịch COVID-19 có dấu hiệu phức tạp, cả hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc. Vì hơn hết, chung tay chặn và đẩy lùi đại dịch mới là giải pháp tổng thể để nối lại các guồng quay sản xuất kinh doanh, các dòng tiền của ngân hàng cũng vậy.