CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (mã VMD) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với doanh thu đạt 2.175 tỷ đồng, giảm gần 5 lần so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng tại Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương đem về 2.093 tỷ đồng, chiếm 97% tổng doanh thu. Khấu trừ giá vốn, Vinedimex ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 55 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi gộp 854 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính tăng mạnh gấp 5 lần lên mức 62 tỷ đồng nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm liên quan đến hoạt động nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế. Mặt khác, chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang so với cùng kỳ, chi phí tài chính giảm 16%, về 14 tỷ đồng và chi phí bán hàng giảm 22% về 164 tỷ đồng
Kết quả, Vimedimex báo lãi ròng quý 3/2021 đạt xấp xỉ 9 tỷ đồng, giảm 10% so với mức lãi thực hiện năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ngành dược ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 9.769 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, giảm lần lượt 24% và 2%.
Đáng chú ý, tình hình kinh doanh kém khả quan đã tạo áp lực lên dòng tiền kinh doanh của Vimedimex khi âm 538 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ vẫn ghi nhận 337 tỷ đồng.
Dòng tiền đầu tư được bù đắp bởi khoản tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia nên dù vẫn ghi nhận con số âm nhưng cũng có sự cải thiện so với cùng kỳ. Còn đối với dòng tiền tài chính của Vimedimex chủ yếu đến từ khoản thu từ đi vay.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của Vinedimex đạt 6.182 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ, chủ yếu do khoản phải thu của khách hàng trong quý giảm 40%, ghi nhận 2.162 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hơn 3.316 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm hơn 50% tổng tài sản, chủ yếu là hàng tân dược thuộc Công ty TNHH MTV Vinedimex Bình Dương với giá trị hơn 2.863 tỷ đồng.
Cuối tháng 9, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp giảm hơn 2.200 tỷ đồng xuống còn 5.781 tỷ đồng nhờ các khoản phải trả người bán giảm mạnh. Trong kỳ, Vimedimex phát sinh thêm khoản vay 360 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng nhằm thực hiện thanh toán các chi phí nhập khẩu Vaccine Hayat – Vax và Sputnik – V phòng COVID-19. Đây là lô vaccine được Bộ Y tế phê duyệt cho Vimedimex nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam vào cuối tháng 9 vừa qua.
Theo tìm hiểu, Dược phẩm Vimedimex tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Y tế được thành lập năm 1984 và cổ phần hoá vào năm 2006 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Đến nay công ty có vốn điều lệ hơn 154 tỷ đồng, quy mô vẫn tương đối nhỏ trong nhóm doanh nghiệp ngành dược, y tế.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VMD từng là tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư khi bất ngờ tăng phi mã với 18 phiên liên tiếp từ 6/8 đến 1/9, trong đó có 16 phiên tăng kịch trần. Theo đó, chỉ sau chưa đầy 1 tháng, biểu đồ giá của VMD chạy thẳng một mạch từ vùng gá 24.700 đồng/cp lên mức đỉnh 82.400 đồng/cp vào đầu tháng 9.
Cổ phiếu VMD đang trong đà giảm mạnh sau khi lập đỉnh vào đầu tháng 9
Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng thông tin Vimedimex trở thành đối tác nhập khẩu, phân phối vaccine COVID-19 tại Việt Nam đã tạo động lực cho đà tăng trưởng bứt phá cho mã cổ phiếu ngành dược này.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 9 đến thời điểm hiện tại, mã cổ phiếu này lao dốc mạnh xuống còn 38.000 đồng/cp (phiên chiều ngày 2/11), giảm hơn một nửa so với vùng giá đỉnh vào đầu tháng 9.