Phiên giao dịch 8/6 khép lại với sự bứt phá mạnh của thị trường khi chỉ số VN-Index tăng 13,7 điểm (1,55%) lên 899,92 điểm. Cùng với sự bứt phá mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng tăng vọt với khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 493 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 7.200 tỷ đồng.
Thống kê cho biết khối lượng khớp lệnh HoSE trong phiên 8/6 là con số lớn nhất từ trước tới nay của TTCK Việt Nam, vượt qua kỷ lục cũ 445 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên 25/1/2018. Trong đó, các cổ phiếu khớp lệnh nhiều nhất là ROS (44,4 triệu cổ phiếu), HQC (24,8 triệu cổ phiếu), FLC (22,3 triệu cổ phiếu), HPG (17,1 triệu cổ phiếu), STB (17 triệu cổ phiếu)…
Xét về giá trị khớp lệnh, con số gần 7.200 tỷ đồng trong phiên 8/6 dù là kỷ lục từ đầu năm 2020 tới nay nhưng vẫn kém khá xa giai đoạn quý 1/2018 với hàng loạt phiên khớp lệnh HoSE quanh ngưỡng 8.000 tỷ đồng, thậm chí trong phiên 25/1/2018, giá trị khớp lệnh HoSE lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.
Khối lượng khớp lệnh HoSE lập kỷ lục trong phiên 8/6
Trong những phiên gần đây, thanh khoản HoSE đã lên mặt bằng mới và những phiên khớp lệnh từ 5.000 đến 7.000 tỷ là điều không còn hiếm gặp. Việc thanh khoản thị trường tăng vọt trong thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ dòng tiền những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, hay còn gọi là "nhà đầu tư F0".
Dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong 3 tháng gần nhất (tháng 3 đến hết tháng 5), nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 102.000 tài khoản chứng khoán, tương đương với số tài khoản mở mới trong 7 tháng cuối năm 2019 (tháng 6 đến hết tháng 12). Có thể việc lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng giảm, trong khi TTCK giảm sâu bởi Covid-19 đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy.
Nhà đầu tư F0 ồ ạt mở tài khoản "bắt đáy" trong 3 tháng qua
Dòng tiền bắt đáy từ các "nhà đầu tư F0" đã giúp thị trường cân bằng trước áp lực bán ròng của khối ngoại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, từ tháng 3 tới hết tháng 5, khối ngoại đã ròng rã bán ròng hơn 14.000 tỷ đồng trên HoSE, tuy nhiên chỉ số VN-Index vẫn miệt mài hồi phục từ vùng đáy 650 điểm vào cuối tháng 3 và lên sát 900 điểm vào đầu tháng 6.
Tất nhiên, không chỉ có dòng tiền từ nhà đầu tư mới tham gia đỡ thị trường trong bối cảnh khối ngoại bán ròng mà còn có dòng tiền từ chính các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, sự hiện diện của các quỹ ETFs mới như VFMVN Diamond ETF hay SSIAM VNFin Lead ETF với tổng quy mô hơn 1.000 tỷ đồng cũng góp phần nâng đỡ thị trường trước áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại.
Sang tháng 6, dòng vốn ngoại đang có nhiều tín hiệu khởi sắc khi họ đã giảm bán ròng, thậm chí một số quỹ ETF ngoại như VNM ETF, Premia MSCI Vietnam ETF sau giai đoạn bị rút vốn mạnh mẽ đã dần hút vốn trở lại. Nếu xu hướng khối ngoại trở lại vững vàng hơn trong thời gian tới, việc thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lập những kỷ lục mới thanh khoản, cũng như điểm số sẽ không phải điều quá bất ngờ.