Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng khả quan trong quý I/2022. Cụ thể, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng gần 174.000 tỷ đồng, tương đương tăng 3,28%. Mức tăng này lớn hơn cả tăng trưởng đạt được trong năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng). Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng gần 219.500 tỷ lên hơn 5,86 triệu tỷ, tương đương 3,89%.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy số dư tiền gửi tại nhiều ngân hàng tăng trưởng rất mạnh trong quý I, một số nhà băng còn có mức tăng bằng cả năm 2021 như VPBank (13,4%), HDBank (9,9%), TPBank (9,3%), SCB (9,1%), Sacombank (7,1%),…
Việc tiền khách hàng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm là điều hiếm gặp, bởi đây là giai đoạn người dân và doanh nghiệp thường có xu hướng rút tiền để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu, trả lương dịp Tết Nguyên đán và đầu tư cho cả năm. Đơn cử, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng hết quý I/2021 chỉ tăng 1,49% trong bối cảnh thu nhập của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và lãi suất thấp kỷ lục.
Theo giới quan sát, tiền gửi tăng nhanh trong quý I năm nay chủ yếu do các ngân hàng đẩy mạnh thu hút khách hàng thông qua nâng lãi suất huy động.
Dữ liệu của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, lãi suất huy động trong quý 1/2022 tăng trung bình 0,03 điểm % so với quý IV/2021. Trong đó, lãi suất huy động tăng mạnh nhất tại Techcombank (0,29 điểm %), VPBank (0,19 điểm %) và TPBank (0,14 điểm %). Những ngân hàng này cũng có mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất.
Đánh giá về diễn biến này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ cho rằng, khi lãi suất huy động tăng lên thì tất yếu tiền gửi phần nào cũng quay trở lại hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, do nền kinh tế bắt đầu hồi phục, thu nhập người dân và doanh nghiệp cũng cải thiện hơn; qua đó giúp lượng tiền gửi vào các ngân hàng gia tăng. Ngoài ra, khi dịch bệnh dần đi qua, xu hướng rút tiền từ các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu về để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng gia tăng. Trong quá trình đó, những phần vốn chưa sử dụng đến cũng sẽ được gửi vào các ngân hàng.
Theo ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS, nguyên nhân chính khiến dòng tiền quay trở lại kênh tiền gửi là do các ngân hàng nâng lãi suất huy động. Thực tế, trong suốt những tháng vừa qua, lãi suất tiền gửi đã được các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng để thu hút khách hàng.
Nói về lý do các nhà băng đẩy mạnh huy động tiền gửi, chuyên gia MBS cho rằng điều này xuất phát từ nhu cầu vay vốn tăng nhanh khi nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không thể nới lỏng quá mức, bơm thanh khoản mạnh vào hệ thống khi lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng. Vì thế, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất trên thị trường 1 để duy trì dòng vốn phục vụ hoạt động cho vay.
Theo ông Tuấn, tiền gửi tiết kiệm bản chất vẫn là kênh truyền thống được nhiều người lựa chọn. Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng, dòng tiền vẫn sẽ tìm đến kênh tiền gửi ngân hàng như một phương án an toàn.
Nhìn nhận ở góc độ ngân hàng, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt nhận xét, rõ ràng năm 2021 và quý 1 năm 2022, dòng tiền lớn bị hút vào thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Tuy nhiên từ đó đến nay, sau những diễn biến của thị trường, những biện pháp quản lý Nhà nước siết chặt kỷ luật thị trường trái phiếu, cổ phiếu và giá cả bất động sản đã ảnh hưởng nhất định đến lượng tiền gửi vào hệ thống NHTM. Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang gửi tiền ở NHTM trong thời gian đánh giá lại thị trường và chờ đợi cơ hội đầu tư mới theo sự phục hồi của nền kinh tế.
Tại báo cáo phát hành mới đây, nhóm nghiên cứu của BIDV và ADB cho rằng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 3% (cao hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,7%) do kênh tiền gửi đã hấp dẫn hơn so với năm 2021. Nhóm nghiên cứu đánh giá, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tốt hơn, và dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm đã tăng nhẹ 0,25-0,5 điểm % so với cuối năm 2021.