Phiên giao dịch hôm nay (5/3), tại rổ VN30, MSN, MWG, BID là 3 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của thị trường. Đáng nói, MSN là cổ phiếu mạnh nhất nhóm, khi tăng trần cùng khối lượng kỷ lục, tương ứng 12,9 triệu đơn vị. Ngược chiều, VRE đóng cửa trong trạng thái giảm điểm với thanh khoản đáng kể với hơn 11,47 triệu đơn vị.
Tổng quan, trong phiên giao dịch hôm nay, dòng tiền đã quay trở lại nhóm vốn hóa lớn khi đổ mạnh vào bộ đôi MSN và MWG.
Cụ thể, phiên hôm nay đà tăng của cổ phiếu MSM (Masan) diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ sớm tăng trưởng trở lại trong năm 2024.
Theo dự báo của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2024 doanh thu thuần hợp nhất của Masan có thể đạt 90.417 tỷ đồng, tương ứng tăng 15,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.651 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với nền thấp năm 2023.
Lợi nhuận hồi phục, chi phí tài chính giảm dần sẽ là động lực tăng trưởng của cổ phiếu trong thời gian gian tới. Bằng phương pháp SOTP, chứng khoán Bảo Việt xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu MSN là 93.200 đồng/cp.
Ngoài ra, đơn vị phân tích cũng nhấn mạnh cổ phiếu MSN, bên cạnh một số bluechips khác, có thể sẽ thu hút dòng tiền trong câu chuyện nâng hạng sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xét trên góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu MSN đang cho thấy xu hướng tăng giá tương đối mạnh với sự tham gia của dòng tiền. Hiện tại, vùng kháng cự của cổ phiếu được xác định quanh mốc 78.000 đồng, trong khi đó hỗ trợ tương ứng là 72.000 đồng.
Trong một diễn biến khác, cổ phiếu đang Masan lọt danh mục đầu tư hàng đầu trong báo cáo của J.P Morgan. Trong Báo cáo chiến lược thị trường vốn mới đây, J.P Morgan đã nêu ra các lĩnh vực đầu tư ưa thích của tổ chức này với sự xuất hiện của cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan trong nhóm các đại diện hàng đầu, bên cạnh các cổ phiếu TCB, ACB, FPT.
Ngoài MSN, cổ phiếu MWG cũng gây chú ý, khi kết phiên tăng 5,49% lên mốc 50.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt trên 22,38 triệu đơn vị.
Trở lại phiên giao dịch hôm nay, ngoài hai mã nổi bật là MSN và MWG nói trên, nhóm chứng khoán cũng lấy lại trạng thái tích cực khi nhiều mã cổ phiếu tăng trần ngay sát phiên ATC. Trong nhóm này, CTS bất ngờ là cổ phiếu tăng mạnh nhất khi đóng cửa trong sắc tím cùng thanh khoản lớn, qua đó về sát vùng đỉnh cách đây 3 năm.
Tại nhóm đầu tư công, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế khi các mã cổ phiếu thuộc liên danh VIETUR gồm CC1, VCG, HAN,... có phần cải thiện với đà tăng trên 3%. Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu thép, bộ 3 cổ phiếu HPG, HSG, NKG ghi nhận mức giảm không đáng kể.
Trong diễn biến khác, nhóm ngân hàng ghi nhận sự phân hóa rõ ràng của dòng tiền. Ngoài VCB các mã cùng ngành như STB, TPB, SHB, SSB,... cũng ghi nhận sự rung lắc đáng kể, tuy nhiên mức độ không quá lớn.
Tại nhóm dầu khí, các mã quen thuộc như PVD, PVS, BSR, PVC phân hóa trong sắc xanh, đỏ đan xen với thanh khoản tương đối.
Riêng với nhóm bất động sản, lực bán bất ngờ gia tăng đáng kể trong phiên chiều. Kết phiên giao dịch các cổ phiếu như DIG, DXG, CEO, HDC,... phân hóa trong sắc xanh, giao động từ 1% - 3%.
Đáng chú ý, cổ phiếu NBB tiếp tục giữ sắc tím so với phiên sáng. Liên quan đến mã cổ phiếu này, mới đây, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) đã công bố quyết định nâng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên tối đa 79,8%. Hiện, CII đang nắm giữ 37,52% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.
Chốt phiên, sàn HoSE có 258 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index tăng 8,57 điểm (+0,68%), lên 1.269,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,01 tỷ đơn vị, giá trị 24.356,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 83,2 triệu đơn vị, giá trị 2.182 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, chốt phiên giao dịch, số lượng mã xanh vẫn chiếm ưu thế, chỉ số HNX-Index tiến về vùng 237 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX tiếp tục được duy trì mức cao, tương đương 83 triệu đơn vị, trị giá khoảng hơn 1.500 tỷ đồng.
Còn trên UPCoM, chốt phiên, chỉ số UPCoM-Index ghi nhận biến động không quá lớn. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 42 triệu đơn vị, giá trị khoảng trên 687 tỷ đồng.