Trong tuần qua (17-21/1/2021), sắc đỏ chiếm chủ đạo trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 17/27 mã giảm giá.
Các mã ngân hàng trên UPCoM giảm mạnh nhất trong tuần qua, trong đó VAN giảm 18%, BVB và PGB giảm 9%.
Trên HoSE, SHB là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất (-8,4%), tiếp theo là HDB (-4,6%), TPB (-4,5%),…
Ở chiều ngược lại, có 10 cổ phiếu ngân hàng giữ được sắc xanh trong tuần qua và chủ yếu, đáng chú ý là các cổ phiếu vốn hóa lớn đều có diễn biến tích cực. Cụ thể, MBB, BID, VCB là 3 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần này với mức tăng đạt trên 7%. Ngoài ra, CTG và TCB cũng giữ được giá đi ngang, không bị giảm theo thị trường chung.
Theo đó, trong 3 tuần đầu năm 2022, BID đã tăng 28%, VCB tăng 13%, MBB tăng hơn 10%,...
Khối ngoại cũng tập trung mua ròng cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần qua. Trong đó, STB được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1,9 triệu cp; BID, HDB và VCB đạt trên 1 triệu cp.
STB là cổ phiếu ngân hàng đứng đầu thanh khoản tuần qua, với gần 175 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức khớp lệnh. MBB đứng thứ 2 với hơn 123 triệu cổ phiếu, tăng vọt so với tuần trước.
Tại Talkshow "Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "ngôi vương"?", Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích VNDirect nhận định, thị trường chứng khoán đang có sự tham gia nhiệt tình của NĐT trong nước khi tài khoản mở mới tăng cao, giúp duy trì thanh khoản trên thị trường trong năm 2022. Chúng ta bắt đầu ghi nhận những phiên có tới 40-50 nghìn tỷ. Với lượng thanh khoản như vậy, khi nhà đầu tư nhận ra việc đầu tư theo cổ phiếu được hô hào trên các hội nhóm, các doanh nghiệp ít thông tin sẽ rất rủi ro, họ sẽ quay lại các cổ phiếu cơ bản, có công bố thông tin minh bạch thì ngành ngân hàng sẽ được chú ý.
Các ngân hàng đang bước vào thời điểm công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Trong tuần qua, nhiều ngân hàng nhỏ đã công bố kết quả kinh doanh như NCB, VIB, BVB, PGB, SGB…và có sự phân hóa đáng kể.
Các ngân hàng nhỏ như NCB, BVB, SGB ghi nhận lỗ trong quý 4/2021, với nguyên nhân chủ yếu là tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng lớn khá khả quan, trong đó VIB có lợi nhuận vượt 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020.