Theo hãng tin Bloomberg, đồng baht Thái Lan hầu như không thay đổi giá trị trong "cơn cuồng phong" chiến tranh thương mại tháng 8, trong khi các đồng tiền khác như rupee Ấn Độ và won Hàn Quốc đều bốc hơi gần 3%.
Các chiến lược gia nhận định đồng bath dường như sẽ không sớm mất ngôi vị an toàn mới của mình, nhờ vào việc Thái Lan đang tăng thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại tệ kỷ lục.
Đồng baht mới in chân dung Vua Maha Vajiralongkorn được giới thiệu tại Ngân hàng Thái Lan ở Bangkok ngày 3/7. Ảnh: Reuters
"Baht Thái vẫn là một nơi trú ẩn an toàn khi chúng ta chưa chịu tác động rõ rệt từ cuộc chiến tranh thương mại đang ngày càng tồi tệ giống như các thị trường mới nổi khác", chiến lược gia Jitipol Puksamatanan tại ngân hàng Krung Thai Bank Plc có trụ sở tại Bangkok cho biết. Nhà dự báo chính xác cao thứ ba về đồng tiền của Thái Lan trong quý trước đã tiên đoán tỷ giá baht sẽ tăng lên mức 30,25 đổi 1 USD vào cuối năm nay.
Các thị trường mới nổi toàn cầu vừa bị giáng ba cú đòn từ việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ.
Hôm 5/8, đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2010 so với USD, xuống còn 7,1085 NDT/USD, sau khi các nhà đầu tư lo ngại về đòn thuế mới của Mỹ. Diễn biến này xảy ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 6,9225 NDT/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu nhiều sức ép gia tăng do tranh chấp thương mại dai dẳng với Mỹ.
Theo nhận định của nhà phân tích tiền tệ cấp cao Ngân hàng MUFG (Nhật Bản), Masashi Hashimoto, hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng lan rộng và việc PBOC điều chỉnh tỷ giá trung tâm như trên cho thấy Bắc Kinh muốn tìm cách ngăn chặn đà giảm của đồng NDT, chứ không phải định dùng đồng NDT yếu để đối phó với sức ép thương mại của Washington.
Việc đồng Nhân dân tệ suy yếu đã khiến một loạt đồng nội tệ các nước khu vực châu Á giảm theo. Cụ thể, đồng đôla Australia (AUD) giảm 0,5%, còn 0,6770 AUD/USD; đồng won (Hàn Quốc) cũng giảm 1%, gần chạm mức thấp nhất trong 3 năm qua 1.218,3 won/USD.
Khác với Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc, Thái Lan không nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác động của chuỗi cung ứng trong các cuộc thương chiến toàn cầu.
"Baht trở thành một nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong khu vực tại thời điểm nhiều rủi ro. Sự thể hiện vượt trội của nó gần đây chính là một minh chứng cho điều trên", ông Khoon Goh, Trưởng ban nghiên cứu châu Á tại ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group Ltd tại Singapore cho biết.
Khủng hoảng tài chính châu Á là cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra tại Thái Lan hồi tháng 7/1997 rồi ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tiền tệ lớn và giá cả của những tài sản khác ở các nước châu Á. Nhiều quốc gia trong đó được coi như là "những con Hổ Đông Á".
Xem link bài gốc tại đây.