Một số dự án có quy mô vốn đăng ký đầu tư lớn điển hình như dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần 1.200 MW; Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than công suất tinh 1.320 MW...
Đối với lĩnh vực bất động sản, việc nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn vào thị trường này đã có từ rất sớm nhưng chỉ thực sự ồ ạt và tăng mạnh trong những năm gần đây. Còn nhớ năm 2014, khi thị trường bất động sản phát tín hiệu hồi phục, Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản) đã khởi động thương vụ đầu tư vào Việt Nam thông qua ký kết hợp tác với Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy để đầu tư dự án City Gate Towers bằng cách rót 600 tỷ đồng thông qua mua trái phiếu dự án.
Tiếp đó, đến nay các nhà đầu tư Nhật Bản liên túc bắt tay với nhiều "ông lớn" địa ốc trong cả nước để phát triển nhiều dự án khu dân cư hiện đại như Nam Long, An Gia, Tiến Phát, Hòa Bình, Phúc Khang, BRG... Không dừng lại ở đó, các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang dành nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và Phú Quốc.
Nam Long đã hợp tác với 2 nhà đầu tư Nhật bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad, rót vốn 8.000 tỷ đồng vào dự án Mizuki Park rộng 26 hecta.
Đánh giá về dòng vốn ngoại đang đổ vào thị trường địa ốc, Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam cho hay dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân đổ vào bất động sản Việt Nam đã tăng mạnh trong hai năm 2016, 2017 lên đến 613,5 triệu USD, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Cũng theo bà Dung, trong năm 2017, dòng vốn đầu tư của các "đại gia" địa ốc đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và đặc biệt là Nhật Bản đã tăng mạnh. Điều này cho thấy thị trường sắp bùng nổ một cuộc cạnh tranh khá gay gắt từ những dòng sản phẩm mang phong cách và chất lượng ngoại.
Giải thích nguyên nhân vốn Nhật Bản đổ vào thị trường BĐS ngày càng tăng mạnh, đại diện tập đoàn Mitsubishi khẳng định rằng các thành phối lớn như Hà Nội hay TP.HCM đều có quy mô dân số và quy mô kinh tế khá lớn. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định dẫn đến việc mở rộng tầng lớp trung lưu và thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các hệ thống giao thông đô thị mới, các thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu về nhà ở và bất động sản khác.
"Các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam với sự tương đồng về triết lý kinh doanh, chiến lược phát triển. Vì vậy, các mục tiêu hợp tác liên doanh đều sẽ mở ra một cơ hội để cung cấp cho thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM có thêm những khu đô thị đẳng cấp, thân thiện với môi trường", vị đại diện này nhấn mạnh.
Theo khảo sát của JETRO năm 2017, trong xu hướng cơ cấu tổng thể các chức năng liên quan đến bán hàng và sản xuất trong và ngoài nước, việc chuyển đổi từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á của các công ty Nhật vẫn đang tăng. Động lực mở rộng kinh doanh đặc biệt cao ở Pakistan (81,3%), Myanmar (70,7%), Ấn Độ (69,6%) và Việt Nam (69,5%). Như vậy khả năng các nhà đầu tư Nhật gia tăng tham gia thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới là có thể dự đoán trước.
Ông Shingu Akihiro, Tổng Giám đốc Tập đoàn Anabuki Housing, cho rằng các nhà đầu tư Nhật ấn tượng với đà phát triển của Việt Nam, nhất là tốc độ tăng trưởng dân số và tăng trưởng GDP khá cao (ước tăng 6,81% năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Quan trọng hơn hết với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu cùng với việc mở rộng điều kiện cho phép sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài, bất động sản Việt Nam đang là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm nhất.
Trước đây, Trung Quốc là điểm đến ưa thích của các nhà đầu từ Nhật, nhưng khi giá nhân công và căng thẳng với Trung Quốc lên cao, từ năm 2013 các công ty Nhật chuyển hướng đầu tư nhiều hơn sang khu vực Đông Nam Á.
Trong xu thế này, thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ bởi yếu tố dân số trẻ mà còn ở tốc độ đô thị hóa. Bởi theo World Bank, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015 đạt 3%, ngang với Thái Lan và cao hơn Indonesia, Singapore và Philippines, giai đoạn 2015-2020 dự kiến là 2,6% và 2020-2025 là 2,2%, cao nhất trong khu vực.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường BĐS Việt Nam nói chung đang tăng trưởng mạnh nhờ nhiều chính sách mới, dự báo cho thấy trong 3-5 tới sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, mà trong đó các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á đặc biệt là Nhật Bản vẫn chiếm đa số.
Cũng theo TS. Lộc, chính sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tạo động lực để phát triển, tạo sự bùng nổ cho thị trường BĐS trong thời gian tới.