Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế bổ sung 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc (TQ), có hiệu lực vào ngày 1-9. Với đòn thuế mới này, ông Trump không chỉ đưa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang mà còn đánh thuế cao lên hầu hết hàng hóa TQ. Lập tức TQ phản đòn bằng cách ngưng nhập nông sản Mỹ và phá giá đồng nhân dân tệ để tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Tác động từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo nhiều nước khác vào vòng xoáy giảm giá đồng nội tệ, giảm lãi suất… Nguy cơ một cuộc chiến tiền tệ đã rất gần. Theo các chuyên gia, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, VND chịu tác động lớn và gây sức ép lên tỉ giá.
Tuy nhiên, Việt Nam đã không bị lôi cuốn vào cuộc chiến phá giá tiền như nhiều nước, đồng thời vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho xuất khẩu. Cụ thể, Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo cho biết: Trong những tuần đầu tiên của tháng 8, thời điểm mà kinh tế toàn cầu rơi vào vòng xoáy bất định, VND vẫn có một tuần khá yên ả khi tỉ giá giao dịch giảm 25 đồng/USD trên ngân hàng và tăng nhẹ ở thị trường tự do.
Vào đầu tháng 8, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá mạnh , 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, có thể sẽ tạo ra áp lực cho VND. Tuy nhiên, VND vẫn tương đối ổn định . Ảnh: TL
“Mức tỉ giá này tương đương với tỉ giá tại cuối năm 2018. VND trở thành một trong những đồng tiền có mức biến động thấp nhất so với USD kể từ đầu năm đến nay. Tỉ giá trung tâm tăng thêm 12 đồng/USD, lên mức 23.102 đồng/USD, tăng 1,21% so với cuối năm 2018 và tiến sát tới tỉ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Có thể nói đồng Việt Nam bình yên trong tâm bão” - SSI nhấn mạnh.
Trước đó, trong bản tin ngày 7-8, một ngày sau ngày TQ phá giá đồng nhân dân tệ của nước này, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định: Dù đồng nhân dân tệ đã mất giá mạnh trong vài ngày qua nhưng VND tiếp tục tăng giá thêm 0,22%, giao dịch ở mức 23.210 VND/USD. Việc đồng nhân dân tệ trượt giá thường ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà giao dịch ngoại hối Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ nguồn USD dồi dào trong hệ thống ngân hàng đã giúp cân bằng cung cầu của thị trường ngoại hối và cũng hỗ trợ giá trị của đồng VND.
“Trong tháng 7, dòng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 1,45 tỉ USD, cán cân thương mại thặng dư khoảng 200 triệu USD giúp tăng nguồn cung ngoại tệ khiến tiền đồng có xu hướng lên giá nhẹ trong tháng. Thêm vào đó là các giao dịch bán vốn, phát hành quốc tế thành công giúp gia tăng nguồn cung ngoại tệ trong tháng” - Công ty Chứng khoán Bản Việt dẫn chứng.
Trên thực tế, các chuyên gia cũng cho rằng đồng Việt Nam hoàn toàn đủ dư địa và khả năng chống chịu trên thị trường ngoại hối. Theo TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, NHNN trong nhiều năm qua đã điều hành tỉ giá một cách ổn định tương đối. Qua đó vừa đảm bảo cho người Việt Nam giữ tiền đồng Việt Nam có lợi hơn USD, vừa tạo điều kiện hỗ trợ cho xuất khẩu, có nghĩa là góp phần cải thiện cán cân thương mại. “Đó là nghệ thuật trong điều hành chính sách tỉ giá phục vụ cho mục tiêu kinh tế-xã hội của mình, kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô” - ông Ngân nhận xét.
Chịu sức ép nhưng khó giảm giá sâu
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, tỉ giá đồng loạt tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, đặc biệt khi tỉ giá nhân dân tệ/USD xuyên thủng ngưỡng cản tâm lý tại 7 nhân dân tệ đổi 1 USD khiến thị trường ngoại hối có nhiều biến động mạnh. Trong ngắn hạn, tiền đồng có thể sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ diễn biến giảm giá của đồng nhân dân tệ nhưng tỉ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên NHNN vẫn đang còn khá nhiều dư địa để điều hành trước diễn biến mới của đồng nhân dân tệ .
Đơn vị trên cũng cho rằng dù có thể chịu sức ép giảm giá theo đồng nhân dân tệ nhưng VND sẽ không giảm giá quá sâu trên 3% do Việt Nam đang rất lo ngại rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.