Đồng USD đang tăng giá trở lại khi mà nhiều thành viên thị trường, với niềm tin vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ, đã mua mạnh đồng USD. Xu thế này có thể khiến cho tình hình tại các nền kinh tế mới nổi trở nên xấu hơn trong khi họ đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19 tồi tệ.
Theo Nikkei, giá trị của đồng USD đã giảm đáng kể sau khi chính phủ Mỹ bắt đầu phát tiền cho người Mỹ trong đại dịch Covid-19, nợ của nước Mỹ vì vậy phình to, tuy nhiên thị trường đã bắt đầu chuyển hướng từ đầu năm nay.
Kinh tế Mỹ, tính theo GDP, trong quý 2/2021 đã tăng trưởng được 6,5% so với quý trước đó. Kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh nhờ vào tiêu dùng cá nhân lên mạnh và chi tiêu vào lĩnh vực tư nhân tăng cao, mức chi tiêu này sau đó đã hồi phục lên ngưỡng trước đại dịch Covid-19.
Dù rằng rủi ro của một làn sóng lây nhiễm Covid-19 vẫn còn, các hàn thử biểu của kinh tế Mỹ vẫn vững vàng. Hiện tại, phải mất đến 109 yên mới đổi được một USD, nhiều hơn đáng kể so với con số 103 yên/USD ở thời điểm đầu năm nay.
Những động thái sắp tới của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ảnh hưởng mạnh đến triển vọng của đồng USD. Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) từng nói đến khả năng lãi suất cơ bản đồng USD sẽ được điều chỉnh tăng từ năm 2023 chứ không phải từ sau năm 2024 như dự báo trước đó. Chuyên gia thuộc công ty chứng khoán Daiwa Securities, bà Mari Iwashita, nhận định: “Lãi suất dài hạn của Mỹ đang trong xu thế tăng lên”.
Trong bối cảnh trên, đồng tiền của nhóm nước mới nổi đang giảm mạnh về giá trị. Sau buổi họp của FOMC vào tháng 6/2021, đồng tiền của Brazin và Nam Phi giảm sâu so với đồng USD.
Giá trị lý thuyết của đồng USD, tính theo chỉ số Nikkei EER, đứng ở mức 113 yên trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19. Sau đó, giá trị này giảm xuống 99 yên trong cùng quý của năm 2020 sau khi giới chức Mỹ cố gắng vực dậy nền kinh tế đang suy giảm nghiêm trọng bằng gói chi tiêu tài khóa mạnh tay.
Trong quý 1/2021, chỉ số Nikkei EER tăng lên và giá trị thực của đồng USD cũng tăng lên gần 101 yên/USD. Đồng USD tăng so với đồng euro và nhiều đồng tiền của các nước Indonesia, Malaysia và nhiều nước mới nổi khác.
Việc đồng USD tăng giá có nguyên nhân trực tiếp từ việc GDP Mỹ tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng của GDP Mỹ rất cao nếu so với tăng trưởng GDP Nhật và nhiều nước khác.
Giá trị lý thuyết của đồng USD đã ảnh hưởng đến giá cả nhiều loại hàng hóa trong giao dịch quốc tế. Giá dầu thô không ngừng tăng khi kinh tế phục hồi và cũng bởi đồng USD từng có khoảng thời gian hạ giá.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã điều chỉnh cấu trúc nền kinh tế của nước Mỹ theo cách vững vàng hơn trước biến động của giá dầu cao, một phần do bởi hoạt động sản xuất dầu đá phiến tăng trưởng cao nhằm giảm phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu. Năm 2020, nước Mỹ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu và các sản phẩm xăng, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Theo các xu thế kinh tế hiện tại, nhiều người vẫn dự báo về khả năng đồng USD sẽ tăng giá. Khi mà giá trị thực của đồng USD vẫn cao hơn giá trị lý thuyết. Đồng USD có thể lại giảm giá nếu quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ yếu đi, nhưng nếu kịch bản đó xảy ra, giá trị của nhiều đồng tiền khác còn thê thảm hơn nữa.