Sự đảo ngược mức tăng gần 30% của chỉ số Dollar index (DXY – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt) từ mức thấp nhất sau đại dịch - vào đầu năm 2021, là dưới 90 điểm – để đạt mức cao nhất trong 20 năm vào tháng 9/2022 (trên 114 điểm), có vẻ như là một sự cá cược chắc chắn rằng mức đỉnh của DXY đã qua, khi thị trường dự đoán mức đỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sắp đến.
Xu hướng tăng giá của đồng USD đang đảo chiều.
Hiện tại, chiến dịch thắt chặt tiền tệ một cách mạnh mẽ của Fed – đã khiến USD tăng giá mạnh trong thời gian qua – dường như sắp kết thúc giữa bối cảnh có nhiều bằng chứng cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn ổn định và lạm phát đang hạ nhiệt. Các nhà phân tích dự đoán Fed sẽ thực hiện thêm một số đợt tăng lãi suất ‘khiêm tốn’ nữa cho đến khi lãi suất đạt đỉnh dưới mức 5% vào giữa năm 2024, sau đó sẽ đến lúc lãi suất giảm dần, giảm khoảng 0,5 điểm vào cuối năm tới.
Lạm phát ở Mỹ đang hạ nhiệt.
Đồng USD đã giảm hơn 10% trong 3 tháng qua, chủ yếu do thị trường lạc quan rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đã có động thái thắt chặt tiền tệ, khiến cho Fed không còn là ngân hàng duy nhất chống lạm phát một cách quyết liệt.
Sự can thiệp mạnh mẽ vào tiền tệ của Nhật Bản hồi tháng 10 đã giúp đồng yen ổn định trở lại, sau giai đoạn lao dốc mạnh mẽ trước đó. Yen Nhật đã hồi phục lên mức cao vào tháng trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu từ bỏ dần chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng. Chuẩn bị cho việc BOJ sẽ thắt chặt chính sách hơn nữa, đồng yen đã phục hồi gần 20% trong vòng chưa đầy hai tháng, và sự thay đổi chính sách của BOJ vào tháng 12 có vẻ như sẽ không phải là một lần duy nhất.
Ở một nơi khác, khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trở nên tích cực hơn trong việc tham gia vào làn sóng thắt chặt tiền tệ vào cuối năm ngoái vì phải đối mặt với tình trạng lạm phát của khu vực đồng euro ở mức 2 con số, đồng euro cũng phục hồi mạnh mẽ. Sau khi tăng 14% trong vòng 3 tháng, EUR đã tăng tốc hơn nữa nhờ mùa đông năm nay đặc biệt ấm áp và lượng khí đốt tự nhiên dồi dào đã giúp giảm một nửa giá khí đốt trong khu vực - trước đó cao ngất ngưởng đến mức nhiều người đã đặt cược rằng chính khí đốt sẽ là thủ phạm gây ra suy thoái kinh tế. Việc giá khí đốt giảm khiến một số người suy nghĩ lại về khả năng suy thoái kinh tế ở châu Âu, khi mà tình trạng mất điện giá thực phẩm cao không trầm trọng như lo sợ.
Sau các đợt phong tỏa kéo dài trong chiến dịch chống COVID-19, Trung Quốc vào tháng cuối cùng của năm 2022 bất ngờ từ bỏ chính sách 'Zero COVID', đem lại triển vọng nhu cầu ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, nâng giá trị đồng nhân dân tệ tăng khoảng 10% so với mức thấp nhất của năm ngoái.
Mặc dù các dự báo vào thời điểm đầu năm này nhìn chung đều có vẻ thận trọng về mức độ của các động thái tiếp theo (của các nền kinh tế lớn trên thế giới), nhưng các sự kiện gần đây đang buộc nhiều ngân hàng toàn cầu phải xem xét lại quan điểm của mình về đồng đô la trong năm 2023.
Trong tuần qua, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết họ sẽ "giảm gấp đôi" mức dự báo về mức giảm tỷ giá đồng USD xuống thấp hơn 6% so với dự báo trước đây, đồng thời nâng dự báo về tỷ giá USD/EUR lên 1,15 USD, so với 1,08 USD dự báo trước đây.
Họ nói: "Các vấn đề vĩ mô từng hạn chế sự suy yếu của đồng đô la giờ đang đổi chiều". "Tăng trưởng toàn cầu đang có dấu hiệu nổi lên, sự không chắc chắn về lạm phát và vĩ mô đang giảm dần, đồng đô la đang nhanh chóng mất đi lợi thế từ những tác động đó."
Ngân hàng HSBC cũng cho rằng đồng euro sẽ tăng thêm 6% trong năm nay và tuần trước đã cắt giảm dự báo tỷ giá đô la/yen cuối năm xuống 120 JPY, từ mức 130 JPY trước đó.
So sánh lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nhóm G7 và lạm phát.
Mặc dù các yếu tố mới nổi lên còn chưa rõ ràng, song các nhà đầu tư đã bắt đầu hành động.
Dữ liệu hàng tuần của CFTC cho thấy các quỹ đầu cơ đã bán ròng đô la nói chung kể từ tháng 11 sau khi giữ vị thế mua ròng trong 10 tháng trước đó.
Các quỹ bán ròng USD.
Nhưng hơi kỳ lạ, kết quả thăm dò của Bank of America (BOA) tuần qua cho thấy, với những động thái gần đây, các nhà quản lý quỹ toàn cầu vẫn xác định 'đồng đô la Mỹ dài hạn' vẫn là tiền tệ được 'giao dịch nhiều nhất' trên thị trường thế giới trong tháng thứ bảy liên tiếp - mặc dù ít hơn so với các tháng trước.
65% số người được hỏi trong cuộc khảo sát hàng tháng của BOA vẫn cho rằng đồng đô la được định giá quá cao.
Và nếu nhìn vào các biểu đồ và xu hướng kỹ thuật để tìm kiếm manh mối thì triển vọng cũng không tốt hơn. Cái gọi là 'điểm cắt tử thần' - nơi đường trung bình động ngắn hạn (50 ngày) giảm xuống dưới mức trung bình động 200 ngày - đã xảy ra trên biểu đồ DXY vào tuần thứ 2 của tháng 1/2023 – là điều thường báo hiệu những đợt giảm giá mạnh sắp tới.
Tuy nhiên, những đợt tỷ giá giảm mạnh thường chuẩn bị cho đợt phục hồi sau đó. Và tháng Một này đã có những đợt DXY hồi phục ngắn như vậy.
Lạm phát giá nhập khẩu hàng năm của Mỹ bất ngờ tăng tốc trở lại vào tháng 12/2022 sau 8 tháng giảm liên tiếp do đồng USD giảm giá vào cuối năm. Điều đó cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn lâu mới giành được thắng lợi nếu đồng bạc xanh bước vào xu hướng giảm giá từ lúc này.
Các động thái của Fed luôn có khả năng kiểm soát biến động của đồng đô la - nhưng mặt trái của sức mạnh đồng đô la ở nước ngoài có thể còn mạnh hơn khi các nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản phải đối phó với sự biến động giá năng lượng và hàng hóa - được định giá bằng đồng USD.
Đồng đô la tăng mạnh vào năm ngoái đã làm cộng hưởng cú sốc giá năng lượng nhập khẩu và lạm phát tăng vọt ở châu Âu và Nhật Bản, đồng thời đe dọa tạo ra một vòng tác động luẩn quẩn khi vòng xoáy chi phí năng lượng quá lớn làm tăng thâm hụt thương mại ở cả hai khu vực.
Sự đảo ngược mạnh mẽ của đồng đô la trong năm nay có lẽ sẽ có tác động ngược lại, và có khả năng làm giảm nhu cầu thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ đối với cả ECB và BOJ.
Những lập luận vòng vo như vậy hiếm khi diễn ra một cách gọn gàng trong thực tế - nhưng đó là một lời nhắc nhở rằng những động thái cực đoan của thị trường tiền tệ thường có thể tự điều chỉnh, nghĩa là đồng USD sau giai đoạn giảm có thể sẽ tăng trở lại.
Tham khảo: Refinitiv