Tháng 12/2017, tờ tiền mệnh giá 1 USD có in chữ ký của Bộ trưởng tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã được đưa vào lưu thông. Nếu vị quan chức này hy vọng rằng chữ ký của ông có thể giúp đồng bạc xanh "xốc lại tinh thần" thì có lẽ ông sẽ phải thất vọng.
Một năm trước, đồng USD đã có thời điểm chạm mức cao nhất so với rổ các đồng tiền chủ chốt. Thế nhưng cho đến giờ, "đồng bạc xanh" vẫn chưa thể quay lại thời hoàng kim đó. Ngược lại, giới chuyên gia trên các thị trường ngoại hối đều cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục mất giá nhẹ trong năm 2018, dưới tác động của ba yếu tố gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền này.
Yếu tố thứ nhất tác động đến đồng USD là tình hình kinh tế thế giới. Tất nhiên chừng nào Mỹ còn là một trong những nền kinh tế trụ cột cho tăng trưởng toàn cầu thì nó vẫn có quan hệ mật thiết với sức mạnh của đồng USD. Thế nhưng đà đi xuống của "đồng bạc xanh" dường như là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của các nền kinh tế khác nhiều hơn là thể trạng của kinh tế Mỹ.
Sự khởi sắc kinh tế trên quy mô toàn cầu, thể hiện ở mọi mặt, từ sự bùng nổ trên các thị trường chứng khoán đến sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu, đồng nghĩa với việc giới đầu tư đang dồn sức đầu tư vào các đồng tiền khác. Sức ảnh hưởng của điều này đối với đồng USD dường như còn mạnh mẽ hơn đồn đoán rằng các doanh nghiệp Mỹ sẽ cho "hồi hương" nhiều lợi nhuận hơn từ nước ngoài nhờ chính sách cắt giảm thuế mới được thông qua. Và điều này có thể sẽ còn tiếp diễn.
Áp lực thứ hai kéo đồng USD đi xuống phản ánh sự thay đổi trong thái độ của các nhà hoạch định chính sách. Cho đến gần đây thì hầu như không một quốc gia nào muốn có một tỷ giá hối đoái cao, mà lại chuộng một đồng tiền giá rẻ hơn, vì đây là công cụ để hạn chế nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu. Bộ trưởng Tài chính Brazil hồi năm 2010 đã từng nói rằng một "cuộc chiến tranh tiền tệ" đã nổ ra, khi các quốc gia đua nhau cắt giảm tỷ giá hối đoái của mình bằng cách sử dụng các "vũ khí" như nới lỏng định lượng, tức in tiền để mua trái phiếu, hay các biện pháp kiểm soát vốn.
Ngân hàng trung ương các nước phát triển lo sợ rằng chỉ cần một dấu hiệu của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn cũng sẽ khiến các đồng tiền của họ tăng mạnh so với các đồng tiền khác, từ đó gây tổn hại cho nền kinh tế. Nhưng giờ đây khi mà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có khởi sắc, hầu như không còn quốc gia nào quá bận tâm nếu đồng tiền của họ có tăng giá. Không chỉ Mỹ mà cả Canada và Anh đều đã nâng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm chương trình mua trái phiếu của mình, và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đã có động thái tương tự.
Cuối cùng, chính giá của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác là lực tác động thứ ba đẩy "đồng bạc xanh" đi xuống. Theo chỉ số Big Mac mới nhất được công bố vào tháng 1/2018, nếu giá bánh kẹp Big Mac quy đổi ra USD ở một quốc gia cao hơn 5,28 USD, mức giá trung bình của một chiếc Big Mac ở bốn thành phố của Mỹ tại thời điểm tháng 1/2018, thì đồng tiền của quốc gia ấy đang được định giá cao hơn so với giá trị thực và ngược lại. Theo cách so sánh này thì hiện chỉ một vài quốc gia phát triển có đồng tiền mạnh hơn đồng USD (Thụy Sỹ, Na Uy và Thụy Điển), trong khi 10 năm trước, chỉ số này cho thấy chỉ có hai đồng tiền của các nền kinh tế phát triển yếu hơn đồng USD.
Chỉ số Big Mac cũng cho thấy nhiều đồng tiền đã tăng giá so với đồng tiền của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá trung bình một chiếc Big Mac ở khu vực Eurozone là 3,95 euro, hay 4,84 USD theo tỷ giá hiện hành, cho thấy đồng euro đang được định giá thấp hơn đồng USD 8,4%, trong khi con số này thu được từ chỉ số Big Mac công bố hồi tháng 7/2017 là 16%. Mùa hè năm ngoái, chỉ trong vòng vài tuần, đồng euro đã tăng từ 1,11 USD lên 1,20 USD đổi 1 euro, sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi phát đi tín hiệu rằng chương trình mua trái phiếu của ngân hàng này sẽ sớm bị cắt giảm. Đồng yen cũng rất có khả năng quay lại giá trị thực của nó như cái cách mà đồng euro thể hiện năm ngoái.
Bên cạnh đó, chỉ số Big Mac cho thấy vẫn có nhiều quốc gia có mối quan hệ mật thiết với nền kinh tế đang trên đà khởi sắc của Eurozone, như Ba Lan và Cộng hòa Czech, nhưng đồng tiền của những nước này vẫn được định giá thấp. Và ngoại trừ đồng real của Brazil ra thì đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi nhìn chung cũng vẫn đang được định giá rất thấp.
Trong ngắn hạn, sự giảm giá của một đồng tiền có thể lại là màn dạo đầu cho những chuyển biến theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, chỉ trong năm 2018 thì khả năng mạnh lên của đồng "bạc xanh" dường như là điều không thể.
* Chỉ số Big Mac Index do tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist xây dựng được sử dụng như một thước đo đánh giá một đồng tiền có đang ở mức giá trị phù hợp hay không. Cơ sở của chỉ số Big Mac là học thuyết ngang giá sức mua (PPP), cho rằng tỷ giá các đồng tiền phải dịch chuyển về mức mà tại đó giá của một giỏ hàng hóa dịch vụ (trong trường hợp này là chiếc bánh kẹp Big Mac của cửa hàng McDonald’s) ở các quốc gia khác nhau phải ngang bằng nhau.