Kể từ sau khi lập đỉnh cao nhất mọi thời đại trong tháng 3, đồng bạc xanh đã mất 10% giá trị, đặc biệt giảm mạnh trong vài tuần trở lại đây trong bối cảnh làn sóng Covid-19 dường như đang lây lan một cách không thể kiểm soát được trên khắp nước Mỹ. Phần lớn các giao dịch bán ra được thực hiện trong thời gian các sàn giao dịch ở New York mở cửa, cho thấy chính các nhà đầu tư Mỹ đang ngày càng hoài nghi về sức mạnh của nước Mỹ cũng như đồng USD.
Đây là 1 cú đảo chiều chóng vánh. Ở thời điểm đầu dịch, đồng USD đã tăng mạnh vì nhà đầu tư coi các tài sản Mỹ (như trái phiếu kho bạc Mỹ) là hầm trú ẩn an toàn trong khi virus đang càn quét khắp châu Âu. Tuy nhiên, giờ đây với ổ dịch nổ ra trên khắp nước Mỹ, hiện trạng Mỹ gần như bất lực trước dịch bệnh làm dấy lên nỗi lo ngại về những hệ quả tàn khốc sẽ còn kéo dài. Lãi suất cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục ở mức siêu thấp trong nhiều năm tới.
Tuần trước California, Texas và Florida đều ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao kỷ lục, trong khi bang New Jersey tái mở cửa kinh tế theo cách chậm chạp hơn dự kiến ban đầu.
"Tin tức tốt lành mà các nhà đầu tư mong mỏi nhất chính là những tin tốt về dịch bệnh", Stephen Jen, CEO của Eurizon SLJ Capital nói. "Hiện nay đặt cược vào USD đồng nghĩa đặt cược vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của nước Mỹ hơn là vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ".
Hiện nay cách chính phủ Mỹ xử lý dịch bệnh – mà đối lập hoàn toàn với tình hình đang tốt dần lên ở châu Âu – chính là yếu tố mạnh nhất chi phối diễn biến của đồng bạc xanh. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách tiền tệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế - những nhân tố truyền thống tác động đến sức mạnh của USD.
USD thường giảm mạnh hơn trong thời gian thị trường tài chính Mỹ mở cửa giao dịch, cho thấy nhà đầu tư bán ra nhiều hơn sau khi dữ liệu mới nhất về virus được cập nhật. Hiện các nhà đầu cơ đang bán ra mạnh nhất kể từ tháng 5/2018, sau khi đặt cược vào khả năng USD tăng giá gần như trong toàn bộ năm ngoái.
Theo dữ liệu của IMF, suốt từ năm 1992 đến nay chỉ có 8 năm đồng euro tăng giá mạnh hơn đồng USD. Tuy nhiên nhiều khả năng năm 2020 điều này sẽ xảy ra.
Quý II, GDP Mỹ giảm mạnh nhất kể từ những năm 1940. Mặc dù kinh tế châu Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, GDP chỉ giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2005. Và những dữ liệu mới nhất cho thấy những dấu hiệu phục hồi vì các lệnh phong tỏa dần được nới lỏng và số ca nhiễm mới ở các nước cũng giảm đáng kể.
Phát biểu sau cuộc họp chính sách tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết diễn biến của kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Mỹ không trực tiếp liên hệ tỷ giá USD với việc kiểm soát Covid-19, các động thái chống dịch ảnh hưởng rất nhiều đến triển vọng của cả chính sách tiền tệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tình thế hiện nay buộc các nhà đầu tư phải đưa thêm vào công thức tính toán của mình những biến số. Paresh Upadhyaya, nhà quản lý tiền tệ tại Amundi Pioneer Asset Management, cho biết virus đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình quan điểm của ông về đồng USD và nền kinh tế.
Để đánh giá tác động của dịch bệnh, Upadhyaya đã lập file excel để ghi lại nhiều dữ liệu, từ lưu lượng tại các điểm kiểm tra an ninh tại sân bay, lượng đặt bàn nhà hàng, số lượng các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, doanh thu cũng như số lượng việc làm tại các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra ông vẫn theo dõi những dữ liệu truyền thống như chỉ số đo lường hoạt động sản xuất và dịch vụ, và sử dụng các dữ liệu về hoạt động di chuyển mà Apple và Google thu thập để đánh giá tiến trình tái mở cửa của các bang.
Tham khảo Bloomberg