Theo một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn chưa thể đe dọa đến đồng USD. Điều này một phần là do các nhà đầu tư, cũng như thị trường đã bị kìm hãm bởi các chính sách của Bắc Kinh. Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại công ty tư vấn TS Lombard nhận thấy Trung Quốc dường như cũng không sẵn sàng để gánh vác trách nhiệm kinh tế lớn khi sở hữu đồng tiền thống trị thế giới.
Động thái của Mỹ trong việc đóng băng nguồn dự trữ ngoại tệ của Nga, cùng với khả năng tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ của người dân đã làm dấy lên suy đoán rằng các nước khác có thể tìm một số biện pháp thay thế. Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng sức mạnh kinh tế Mỹ để trừng phạt Nga đã đặt ra câu hỏi về việc liệu các quốc gia trên thế giới có thể tiếp tục dựa vào đồng USD hay không.
Cùng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày càng vững chắc, một số người suy đoán Nhân dân tệ sẽ là đồng tiền dự trữ tiếp theo của thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không đồng tình với quan điểm rằng vị thế của đồng USD đang bị đe dọa.
Hàng loạt vấn đề khiến một số công ty đã chuyển từ trung tâm tài chính Hồng Kông sang Singapore. Trong khi đó, thị trường tài chính ở Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến đã sụt giảm trong năm nay, một phần là do các quy tắc Zero-Covid cứng rắn của Trung Quốc buộc các thành phố và khu vực phải đóng cửa nghiêm ngặt. Chỉ số chứng khoán Hang Seng giảm khoảng 30% trong ba năm qua.
Theo ông Blitz, việc Mỹ thâm hụt thương mại có thể giúp nền kinh tế thế giới tăng trưởng, "và Trung Quốc sẽ không gánh vác trách nhiệm đó". Số lượng các công ty Trung Quốc có thể "làm mưa làm gió" trên toàn cầu vẫn còn rất ít, đồng nghĩa với việc nước này thiếu sức mạnh để nâng đỡ đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ.
Vào hôm 18/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cũng đã lên tiếng bảo vệ đồng bạc xanh: "Tôi chắc rằng đồng USD sẽ vẫn là đồng tiền mạnh nhất trên thế giới. Chúng tôi có thị trường vốn sâu nhất, thanh khoản nhất trên thế giới. Nền kinh tế của chúng tôi cũng quan trọng và phức tạp nhất trên toàn cầu".
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo
Ông cũng cho biết Mỹ đã lường trước về vấn đề này nên mới có các hành động phối hợp với các đồng minh của mình, đặc biệt là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, trong việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. "Một phần lý do khiến các hành động mà chúng tôi đã thực hiện đối với Nga có sự tham gia của các đồng minh và đối tác thân cận, là để đảm bảo rằng Mỹ không tự ý hành động, và chúng tôi không lợi dụng sức mạnh của đồng USD", ông nói.