Tại cửa hàng đồ trẻ em Eugene Baby ở khu vực trung tâm của Hồng Kông, dòng người tấp nập tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến đây mua sắm đồ chơi, núm ti giả và xe đẩy cho trẻ em đã biến mất. Hôm qua (13/11), cửa hàng vắng tanh và 1 người bán hàng cho biết trong tuần này hoạt động kinh doanh đã sụt giảm tới 80%.
Hồng Kông đang trải qua một trong những tuần kinh khủng nhất kể từ khi làn sóng biểu tình bắt đầu bùng lên cách đây 5 tháng, khiến các công ty và nhân viên của họ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi phải làm việc trong khung cảnh hỗn loạn.
Trong khi những cuộc biểu tình trước đây hầu hết chỉ diễn ra vào cuối tuần, 3 ngày vừa qua liên tục có tình trạng hệ thống giao thông bị gián đoạn trên diện rộng trong giờ cao điểm buổi sáng, bên ngoài các tòa nhà văn phòng là cảnh lộn xộn và các ngân hàng cũng như các công ty đa quốc gia ngày càng lo ngại về sự an toàn của nhân viên. Hôm qua một nhân viên ngân hàng đầu tư của Citigroup đã bị bắt giữ, trong khi trụ sở chính của JPMorgan Chase ở Hồng Kông là nơi diễn ra một trong những cuộc đụng độ lớn nhất giữa người biểu tình và cảnh sát.
Một số đã khuyên nhân viên nên làm việc tại nhà và hủy bỏ các cuộc họp không quan trọng. Nhiều cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại và nhà hàng phải đóng cửa sớm.
Với tình cảnh hiện nay, nền kinh tế Hồng Kông được dự báo sẽ suy thoái sâu hơn và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao.
Nếu không có được giải pháp dài hạn hơn, thành phố có nguy cơ đánh mất vị thế là một trong những trung tâm tài chính và thương mại quan trọng bậc nhất thế giới. Một số người đã hủy bỏ các chuyến công tác tới Hồng Kông nếu không thực sự cần thiết, và một số chuyển sang tổ chức họp ở Thâm Quyến.
Theo Yiu Si-wing, người phụ trách ngành du lịch của thành phố, cho biết: "Những gì chúng tôi đang chứng kiến là rất đáng lo ngại. Doanh thu của các khách sạn Hồng Kông đã sụt giảm 50% trong tháng 10 và trong tháng này tốc độ giảm thậm chí còn khủng khiếp hơn".
Nhiều phần của thành phố đã bị tê liệt vì người biểu tình lập chốt chặn đường và buộc các ga tàu điện ngầm phải đóng cửa.
Kimmy, nhân viên back-office tại 1 công ty niêm yết ở Hồng Kông, chỉ làm việc 4 giờ hôm thứ hai vừa qua sau khi hệ thống giao thông công cộng bị gián đoạn khiến cô mất 3 giờ mới tới được chỗ làm thay vì 40 phút như bình thường. Một nửa đồng nghiệp của cô thậm chí còn không thể tới văn phòng.
Hao Hong, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty chứng khoán Bocom International, cho biết ông đã phải hủy bỏ các cuộc họp và công việc bị đình trệ vì người biểu tình khiến các thành viên trong nhóm bị mắc kẹt hoặc không thể tới công ty.
Tuy nhiên một số hoạt động của ngành tài chính vẫn diễn ra. Khoảng 1.100 người đã tới tham dự hội nghị của 1 quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân tại khách sạn Four Seasons, gần bằng với số người tham dự năm ngoái. Đến phiên hôm qua chỉ số Hang Seng vẫn cao hơn 23% so với mức trung bình 30 ngày. Và sàn chứng khoán Hồng Kông vừa phê duyệt kế hoạch bán một lượng lớn cổ phần của Alibaba, dự kiến sẽ diễn ra trước khi năm 2019 kết thúc.
Dẫu vậy, mặc dù khối lượng giao dịch của phiên hôm qua vẫn ở mức cao nhưng chủ yếu là bán ra. Chỉ số MSCI Hong Kong Index giảm 2,4%, mức giảm trong 1 ngày mạnh nhất kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Và bất chấp Hong Kong vẫn là thị trường khỏe mạnh cho các vụ IPO cũng như bán cổ phần thứ cấp, hoạt động M&A đã suy yếu với tiến độ các vụ thâu tóm suy giảm 80% kể từ tháng 6 đến nay.
Airy Lau, 1 lãnh đạo của quỹ Fair Capital Management, cho biết mấy tháng gần đây ông đã đóng tất cả các vị thế trên TTCK Hồng Kông vì lo ngại bất ổn, chuyển số tiền này sang đại lục. Ngành quỹ phòng hộ Hồng Kông đang chứng kiến một quý có tình trạng bán tháo mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.