Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố, tính đến ngày 20-12, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thêm nhiều dự án tỉ đô
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với trên 18,1 tỉ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt trên 2,6 tỉ USD và trên 1,4 tỉ USD. Một số dự án lớn trong năm 2021 có thể kể đến như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD; dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỉ USD; dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Hải Phòng đã vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỉ USD (chiếm 16,9%). TP HCM đứng vị trí thứ ba với gần 3,74 tỉ USD (chiếm gần 12%), tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội. "Nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội và Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, TP HCM dẫn đầu cả về số dự án mới" - Cục Đầu tư nước ngoài thông tin.
Là địa phương nằm trong tốp 10 về thu hút vốn FDI, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết năm 2021 dòng vốn quan trọng này vào tỉnh tiếp tục duy trì tốt, với 20 dự án mới, vốn đăng ký trên 637 triệu USD và nhiều dự án đăng ký bổ sung vốn khác. Đó là nhờ Bắc Giang đã nỗ lực kiểm soát dịch bệnh với phương châm "chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch". Đặc biệt, để đón dòng vốn FDI, Bắc Giang đã sớm tháo gỡ các vướng liên quan đến quy định pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Đánh giá về kết quả thu hút FDI năm 2021, Bộ KH-ĐT cho biết với chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, giảm số lượng, tăng về chất lượng, chúng ta đã loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng. Bên cạnh những con số tích cực, thu hút vốn FDI của nước ta cũng gặp khó khăn khi việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày do dịch Covid-19 làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và thực hiện các thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gia tăng cũng là thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Xây dựng nhà xưởng cho Công ty TNHH Risesun Singapore tại KCN Hòa Phú (tỉnh Bắc Giang) - dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư đầu năm 2021. Ảnh: BẢO QUỐC
Tín hiệu tích cực năm 2022
Theo Bộ KH-ĐT, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, đang có những đánh giá tích cực về Việt Nam. Do đó, năm 2022, bức tranh thu hút dòng vốn FDI hứa hẹn sẽ có nhiều gam màu sáng. Trong tháng 12 này, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để đầu tư xây dựng nhà máy 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy trung hòa các-bon đầu tiên của Tập đoàn LEGO, dự kiến khởi công vào nửa cuối năm 2022.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng đánh giá triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam thời gian tới là rất rõ. "Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng trong năm 2021 và sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang thích ứng với điều kiện bình thường mới, dần mở cửa nền kinh tế" - ông Hoàng kỳ vọng.
Về định hướng thu hút đầu tư và đón làn sóng dịch chuyển, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho hay Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án điện, điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn, bán lẻ, công nghiệp phụ trợ, các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, các khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) đến từ các nước châu Âu, trong đó có Đức, đều có xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Về phía địa phương, ông Phan Thế Tuấn cho biết chuẩn bị về cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng để Bắc Giang thu hút đầu tư. Với hàng loạt khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm qua, Bắc Giang đang có kế hoạch trình Chính phủ mở rộng các khu công nghiệp mới như Yên Lữ, Yên Sơn - Bắc Lũng để sẵn sàng về hạ tầng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tương tự, theo Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương, địa phương này sẽ đầu tư, phát triển 15 khu công nghiệp trong giai đoạn tới, quy hoạch vùng công nghiệp động lực tại vị trí giao thông thuận lợi để kết nối với các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, tạo điểm đến thuận lợi cho nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh phục hồi nhanh chóng đã mở ra các cơ hội thu hút dòng vốn FDI cho Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông Thịnh, Việt Nam cần sẵn sàng về hạ tầng, môi trường đầu tư, các chính sách phù hợp với định hướng thu hút FDI chất lượng cao theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, các DN trong nước cũng cần nâng cao năng lực để liên kết, tham gia chuỗi sản xuất.
Xuất nhập khẩu của DN FDI đạt 440 tỉ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của DN FDI đạt 440,15 tỉ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 69,5% kim ngạch của cả nước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 232,2 tỉ USD, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 207,95 tỉ USD. Như vậy, các DN FDI xuất siêu hơn 24 tỉ USD.