Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2021, tính đến ngày 20/12/2021 các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2021.
Hải Phòng vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu trong cả năm với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Long An xếp thứ hai với trên 3,84 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước. TP Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ ba với gần 3,74 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội,…
Nếu xét về số dự án, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới (29,2%), số lượt dự án điều chỉnh (18,1%) và GVMCP (60,3%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút ĐTNN trong năm, song xếp thứ hai về số dự án mới (16,7%) và số lượt GVMCP (12,2%).
Nếu xét theo vốn đầu tư lũy kế, tính đến 20/12/2021, TP. HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 49,47 tỷ USD.
Số liệu thống kê sau đó được đưa ra vào 20/1/2022 cho thấy vốn lũy kế vào TP. HCM đã tăng lên 52,86 tỷ USD, tức tăng hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo thống kê vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ ngày 1-20/1/2022, vốn đầu tư vào TP. HCM lại không tăng đột biến, cũng không có dự án lớn nào. Cụ thể, với 39 dự án cấp mới, vốn FDI đổ vào TP. HCM trong tháng 1/2022 được thống kê chỉ đạt 103,3 triệu USD, đứng thứ 7 cả nước.
Như vậy, khả năng có thể xảy ra là trong giai đoạn 21-31/12/2021, các dự án có tổng vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài vào TP. HCM đã được cấp chứng nhận đầu tư, do đó không được thể hiện trong thống kê của tháng 12/2021 cũng như tháng 1/2022.
Dữ liệu về số vốn FDI vào Việt Năm năm 2021 tăng gần 8 tỷ USD so với báo cáo trước đó
Theo báo cáo ban đầu, trong năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Song, dữ liệu được đưa ra mới đây lại cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 chính xác là 38,85 tỷ USD (tăng 7,7 tỷ USD so với báo cáo trước), tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Con số 38,85 tỷ USD được đưa ra trong Dự thảo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình triển khai Kế hoạch năm 2022, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới.
Trước đó, kết quả ước tính của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn cấp mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020).
Song, thực tế, chỉ trong những ngày ít ỏi còn lại của năm 2021, hai dự án khủng có quy mô tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư. Đặc biệt hơn, hai dự án này lại cùng được cấp chứng nhận vào ngày cuối cùng của năm, 31/12/2021.
Một trong hai dự án là Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn I (1.500 MW), vốn đầu tư đăng ký 2,3 tỷ USD, là dự án liên doanh của Tập đoàn T&T với nhà đầu tư Hàn Quốc. Mục tiêu của dự án là sản xuất điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và truyền tải vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến hệ thống phân phối. Dự án còn lại là của một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.Như vậy, nếu tính cả hai dự án trên, vốn đăng ký mới trong năm 2021 đạt 18,9 tỷ USD, tăng 24,3%; còn vốn điều chỉnh đạt 12,84%, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2020.