Xu hướng ngoại hóa doanh nghiệp Việt
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 8,12 tỷ USD, tăng hơn 98% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá trị góp vốn mua cổ phần vượt mức 7,41 tỷ USD vốn đăng ký mới. Đây cùng là lần đầu tiên xu hướng doanh nghiệp ngoại rót vốn vào doanh nghiệp trong nước lớn hơn giá trị FDI đăng ký mới.
Khối FDI mua bán, sáp nhập là 4.020 dự án, trong khi đó đăng ký mới là 1.723 dự án.
Tỷ lệ đầu tư mới, tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần 6 tháng đầu năm. Số liệu: Cục Đầu tư nước ngoài. Đơn vị: tỷ USD.
Việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với các dự án trong nước là một trong các hình thức của giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A).
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành & doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin & Dự báo xã hội quốc gia nhận định đây là hình thức nhanh nhất để các nhà đầu tư có được cơ hội kinh doanh ở Việt Nam, trong trường hợp có sự dịch chuyển vốn từ Trung Quốc tránh tác động từ chiến tranh thương mại.
Theo quan sát của ông Thắng, tỷ trọng M&A trong đầu tư của toàn thế giới cũng đang tăng lên. Xu hướng mua lại các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản để đầu tư vốn sau đó bán đi đang được triển khai tại Việt Nam.
Công nhân tại một xưởng may tại Hải Dương. Ảnh: Reuters.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến cáo cần lưu tâm đến đột biến này dù M&A là một quá trình tất yếu.
"Đây là một dấu hiệu cần phân tích kỹ về mặt động thái, gồm tốc độ tăng và cơ cấu, xuất xứ của nguồn vốn đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ nào", TS Trần Đình Thiên lưu ý.
Hai vị chuyên gia đều khuyến cáo cần xem xét nguồn vốn gắn liền với các điều kiện, mục tiêu, năng lực tài chính, công nghệ của các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay, làn sóng góp vốn mua cổ phần chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản...
Các nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần lớn trong 6 tháng đầu năm. Số liệu: Cục Đầu tư nước ngoài. Đơn vị: Tỷ USD.
Cảnh báo đầu tư núp bóng
Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng không cần phải e ngại xu hướng M&A. Việt Nam đang khuyến khích các hình thức mua bán, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong điều kiện công khai, minh bạch. Tuy nhiên, theo ông Thắng cần phải chống lại những trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư núp bóng.
Thứ trưởng Thắng thừa nhận thực trạng đầu tư núp bóng đang diễn ra. Theo Luật Đầu tư năm 2014, các dự án có tỷ lệ vốn nước ngoài 51% trở lên phải thực hiện thủ tục chứng nhận đầu tư nước ngoài. "Đây là điều bất cập. Rất nhiều dự án có quy mô lớn nhưng tỷ trọng đầu tư dưới 49% để không phải thực hiện thủ tục như doanh nghiệp nước ngoài", ông Thắng nói.
"Đầu tư núp bóng là một trong những hình thức như vậy", vị Thứ trưởng nêu. Ông phân tích, nhà đầu tư mua vốn của doanh nghiệp trong nước nhưng chỉ mua đến 49%. Trong khi đó, theo luật chỉ cần năm giữ 35% cổ phần, nhà dầu tư ngoại đã có quyền phủ quyết, rất có thể dẫn tới khả năng chi phối doanh nghiệp, nhất là khi 65% còn lại có thể phải chia nhỏ cho nhiều cổ đông.
Cho rằng quy định chỉ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên mới là nhà đầu nước ngoài là chưa sát thực tiễn, Thứ trưởng Thắng thông tin khi sửa luật doanh nghiệp các cơ quan chức năng sẽ quan tâm tới vấn đề này.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỷ USD, bằng gần 91% so với cùng kỳ năm 2018.
- Có 1.735 dự án đăng ký cấp mới, trị giá7,41 tỷ USD, bằng 62,8% so với cùng kỳ năm 2018.
- Có628 lượt dự án điều chỉnh vốn, tăng thêm 2,94 tỷ USD,bằng 66,2% so với cùng kỳ năm 2018.
- Có 4.020 dự án góp vốn mua cổ phần, trị giá 8,12 tỷ USD, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đăng ký giảm, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, giải ngân các dự án FDI đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước.