Trang trại bạc tỷ của thương binh
Chúng tôi về xã Kỳ Lâm gặp ông Lê Viết Hưng - thương binh làm kinh tế giỏi vào hạng nhất nhì vùng thượng huyện Kỳ Anh. Hiện trang trại của ông Hùng có quy mô 1.200 lợn thịt/lứa (2 lứa/năm); 40 con lợn rừng và nhiều ha trồng cây lâm nghiệp. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng cho biết, năm 1976 sau ngày đất nước hòa bình, ông xuất ngũ trở về quê hương, là thương binh nên thường xuyên đau yếu. Sau khi lập gia đình, khó khăn lại càng nhiều, vợ chồng hầu như không có tài sản gì.
Thương binh hạng ¾ Lê Viết Hưng (thứ 2 từ phải) giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn liên kết của gia đình. Ảnh: Thu Hà
"Ngoài nguồn vốn do T.Ư cấp, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh còn tích cực chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố và các hội, đoàn thể thu hồi vốn đã đến hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng”. Ông Hoàng Bá Đồng - |
Năm 2001, vợ chồng ông Hưng đã làm đơn xin UBND xã Kỳ Lâm nhận vùng đất tại đập Cây Rễ với diện tích hơn 10ha để xây dựng mô hình hình VAC. Những ngày đầu khởi nghiệp, ông chỉ đầu tư chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò với quy mô nhỏ lẻ. Lời lãi lứa này, ông bà lại đầu tư mở rộng quy mô nuôi lứa sau…
“Năm 2013, được Ngân hàng CSXH cho vay 100 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cùng với vốn tích lũy được, tôi đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn liên kết với Công ty CP” - ông Hưng cho biết.
Ông đầu tư chuồng trại hiện đại, hệ thống xử lý chất thải… Phía công ty cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. “Với hình thức đó, tôi đã đầu tư xây dựng 2 chuồng nuôi lợn với quy mô 1.200 con/lứa, mỗi năm 2 lứa. Mặc dù hơn 2 năm ròng giá lợn liên tục giảm, nhưng vì ký hợp đồng liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, 2 chuồng lợn này vẫn đem lại cho gia đình tôi khoảng 400 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả mọi chi phí” - ông Hưng thổ lộ.
Ngoài việc phát triển nuôi lợn gia công, ông Hưng còn phát triển diện tích trồng rừng và các loại mô hình khác như trồng rau sạch, đào ao thả cá, nuôi 40 con lợn rừng… Với các mô hình này, mỗi năm gia đình ông Hưng có thu nhập thêm vài trăm triệu đồng.
Hơn 3.700 hộ vay vốn giải quyết việc làm
Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Hồ Tú Nam ở thôn Sơn Bình 2, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh. Anh Nam bộc bạch: “Vợ chồng tôi mới làm trang trại chưa lâu, nên rất cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất. May mắn, năm 2013 được vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, gia đình đầu tư mở rộng quy mô trồng rau sạch và chăn nuôi lợn, đà điểu. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên trang trại gia đình cho thu nhập tốt và trả lãi, trả nợ đúng thời hạn…”.
Theo anh Nam, năm 2016, gia đình anh tiếp tục được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng mở rộng mô hình chăn nuôi và đầu tư trồng rừng. Hiện trang trại của gia đình anh có 15 con đà điểu, 20 con bò, 10 con lợn và hơn 500 con gà. Bên cạnh đó, anh còn trồng thêm 10ha rừng keo lá tràm. Trang trại của anh Nam không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 3 lao động nông nhàn tại địa phương, với mức lương bình quân 4 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Bá Đồng - Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Ðến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn Hà Tĩnh đạt 91 tỷ đồng với 3.739 khách hàng còn dư nợ, trong đó, Phòng Giao dịch huyện Kỳ Anh có dư nợ hơn 5 tỷ đồng với 199 hộ vay”.
Từ nguồn vốn ưu đãi chương trình tín dụng giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.