Trong khó khăn của đại dịch Covid-19, tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam vẫn được duy trì. Để tồn tại và phát triển, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng mọi nguồn lực, linh hoạt chuyển đổi.
Vượt lên trong khủng hoảng
Hơn 4 tháng, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, các rạp chiếu phim trên toàn quốc đều phải đóng cửa. Không có doanh thu nhưng vẫn phải gánh gồng nhiều chi phí, các doanh nghiệp điện ảnh lớn nhỏ đều đứng trước bờ vực phá sản nếu đầu năm 2022 mới được mở cửa. Các quán cà phê cũng trong tình cảnh tương tự.
Vận hành một hệ thống rạp phim, Bùi Quang Minh, chủ tịch Beta Group, chia sẻ: “Từ đầu dịch tới giờ đóng cửa tới 4 đợt, mỗi đợt như vậy kéo dài nhiều tháng, không biết bao giờ được mở lại thì quản trị mọi thứ như thế nào?”.
Trong đợt dịch lần 4 này, hầu hết các cửa hàng của The Coffee House cũng buộc tạm đóng cửa. CEO Lê Bá Nam Anh cho hay, số lượng cửa hàng lớn, chi phí cố định rất cao nên việc mất cân đối dòng tiền là thử thách lớn cho cả hệ thống.
Thêm vào đó, hai tháng cao điểm giãn cách hoàn toàn, tương tác đặt hàng trên app và website cũng đóng băng, dẫn đến sự gắn kết với khách hàng giảm đi. Nhiều nhân sự tỉnh lẻ và nhân viên văn phòng làm việc từ xa cũng gặp những vấn đề trong việc kết nối tinh thần với tổ chức, giảm động lực và gắn kết.
Thế hệ doanh nhân trẻ |
Dịch bệnh đã làm nhiều doanh nghiệp điêu đứng, giải thể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bên cạnh thách thức, khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp, thì thời điểm này cũng mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
Với vai trò lãnh đạo, Bùi Quang Minh nhận thấy, đây chính là thời gian vàng để nghĩ ra kế hoạch cho tương lai, khi dịch bệnh được đẩy lùi. Sau đại dịch, nhu cầu giải trí của khán giả sẽ dần tăng trở lại và thậm chí có phần nhiều hơn bởi sự áp lực, căng thẳng vì thời gian cách ly - là cơ hội cho các nhà làm phim lẫn những nhà đầu tư rạp phim
Với Beta Cinemas, ông vẫn đang cố gắng tối ưu các chi phí mặt bằng, vận hành và nhân sự. Đơn vị này cũng tranh thủ phát triển các mô hình rạp chiếu mới, hoàn thiện mảng kinh doanh nhượng quyền và tìm cơ hội hợp tác đầu tư với những cụm rạp đơn lẻ hoặc chuỗi rạp để cùng nhau vượt khó.
Còn CEO The Coffee House thì giữ tinh thần lạc quan. The Coffee House luôn đặt mình trong cảnh sống chung với dịch, ít nhất đến hết quý 1/2022.
Ông Lê Bá Nam Anh cho rằng, nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, chứng kiến sự sụp đổ của tên tuổi lớn như Bear Sterns, Lehman Brothers, thậm chí đến hãng bảo hiểm AIG cũng phải nhờ chính phủ hỗ trợ, ông không tin vào khái niệm "too big to fail". Không có bất cứ ngoại lệ nào cho ngành F&B tại Việt Nam. Đặc biệt, các chuỗi càng lớn, càng dễ mất kiểm soát nếu thiếu tập trung và sự hỗ trợ đóng góp của nhiều bên đối tác như ngân hàng, chủ nhà, nhà cung cấp, nhân viên...
Sinh tồn để chờ đón mùa xuân
Trong cái khó, các doanh nhân trẻ đã tìm ra cho mình những cách thức để tồn tại. Bùi Quang Minh, chủ tịch Beta Group, mong muốn mang chuỗi rạp chiếu phim giá rẻ theo mô hình mới Beta Lite đến gần hơn với các huyện lị, thị trấn trên cả nước. Với chi phí từ 2,5 tỷ đồng/phòng chiếu, yêu cầu 2-3 phòng cho một cụm rạp, theo ông Minh là cực kỳ hợp lý được nghiên cứu kỹ, đảm bảo cho chất lượng cụm rạp đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, Beta Group còn tìm cách lấn sân sang hai mảng mới là quản lý bất động sản - A.Plus Home và giáo dục - Crimson Business Institude. Ông Minh cho biết, đây không phải là kế hoạch ngắn hạn, bộc phát, mà đã được ông ấp ủ nhiều năm trước.
Dự án cộng đồng của Minh Beta |
Trong giai đoạn khó khăn, các sản phẩm của Beta Group vẫn được nhiều bạn trẻ đón nhận. Dự án A.Plus Home đầu tiên đặt tại Hoàng Cầu (Hà Nội) đã chính thức ra mắt với 35 căn hộ khép kín và một không gian sinh hoạt chung tại tầng thượng. Chỉ sau 2 tháng vận hành, A.Plus Home đạt 80% tỷ lệ lấp đầy và hiện là 100%.
Đưa ra chiến lược "sinh tồn" trong giai đoạn này, CEO Lê Bá Nam Anh cho rằng, phải nhìn lại thật rõ nguồn và lực của chính mình. "Trước dịch, tài sản của chúng tôi là chuỗi 180 cửa hàng, hơn 2.500 nhân viên, sự gắn bó yêu thương của hơn 1 triệu khách hàng với hàng triệu ly nước được phục vụ mỗi ngày. Covid-19 biến lợi thế số lượng cửa hàng thành một khoản nợ trong ngắn hạn, nhưng tài sản quan trọng nhất là khách hàng vẫn còn", ông nói. Như vậy, bài toán khác biệt với các CEO trước là làm thế nào để tăng trưởng số lượng và giá trị của mỗi khách hàng.
Ông tiết lộ, cuối năm 2021, The Coffee House sẽ xây dựng thêm mô hình cửa hàng mới sẽ chuyên phục vụ mua mang đi và giao tận nơi ở TP.HCM. Theo kế hoạch, năm 2022 mô hình này sẽ được nhân rộng hơn ở các tỉnh thành khác trên cả nước.
Nhìn lại hơn một năm, có thể thấy, những thay đổi do Covid-19 gây ra là bước ngoặt, mang đến cơ hội cho những doanh nghiệp. Trong bức tranh với màu xám chiếm chủ đạo, các phân tích của EY-Parthenon cho thấy vẫn có những điểm sáng và cơ hội phía trước. Các doanh nghiệp có lợi thế ngành nghề, chiến lược thích ứng dài hạn, và được điều chỉnh phù hợp có thể nắm bắt tốt hơn các cơ hội phát sinh ngắn hạn và các cơ hội mới trong dài hạn.
Theo khảo sát của Deloitte toàn cầu, 77% CEO các tập đoàn, công ty được khảo sát cho rằng đại dịch mang đến nhiều hơn các cơ hội kinh doanh. Quan điểm chung là trong giai đoạn này, Covid là cơ hội khai thông bế tắc, tìm kiếm các cơ hội, thị trường và đối tác mới. Ngoài ra, có đến 70% CEO toàn cầu tin rằng cần ưu tiên cho thay đổi lâu dài của khách hàng, người tiêu dùng.
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, nhìn nhận, các cuộc khủng hoảng tương tự đều là bài test tốt cho các nhà lãnh đạo. Doanh nhân giỏi chỉ xử lý để vượt qua, nhưng người có tinh thần kiên tâm sẽ là chắc thắng. Nếu thua thì chưa phải là lãnh đạo, chưa kiên tâm. Người lãnh đạo kiên tâm phải bản lĩnh.
Trong nguy có cơ, ông Lê Phụng Thắng, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đúc kết “Để kiên tâm được, các doanh nhân phải chủ động trong mọi tình huống, không chỉ cho mình mà cho cả đội ngũ. Covid chỉ là một trong những thử thách trong cuộc đời làm doanh nghiệp. Có thể có những doanh nghiệp nhỏ bé vượt lên thành doanh nghiệp lớn, và ngược lại. Quan trọng là ta nhìn ở góc nào”.
"Con gấu, hay con sóc khi ngủ đông đều tích trữ sẵn lương thực. Đến mùa xuân, chúng tỉnh giấc, mặc dù gầy nhưng chúng không chết, mà nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Doanh nghiệp cũng vậy, cần phải ngủ đông một cách chủ động và sẵn sàng các phương án làm mới mình khi mùa xuân đến", Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom nói.
Duy Anh