Tiki + Sendo = Tido?
Sau khi Adayroi của Vingroup nói lời tạm biệt thì thương mại điện tử trong nước còn hai cái tên lớn là Tiki và Sendo. Thị trường tiếp tục nóng khi có nguồn tin cho hay Tiki và Sendo đang trong quá trình đám phán để về chung một nhà. Cả Tiki và Sendo đều chưa xác nhận thông tin này, nhưng nếu thương vụ sáp nhập thành công sẽ là một sự thay đổi lớn trên cục diện thương mại điện tử.
Tiki là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành thương mại điện tử, được thành lập năm 2010, khởi điểm ban đầu chủ yếu kinh doanh sách trực tuyến. Sau đó, Tiki mở rộng thành nhà bán lẻ trực tuyến với nhiều ngành hàng. Tháng 3/2019, Tiki đã gọi vốn được 75 triệu USD dẫn dắt bởi Northstar Group. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục các vòng gọi vốn khác, được cho là lên đến 100 triệu USD.
Tiki và Sendo về chung một nhà? |
Còn Sendo là sản phẩm của Công ty công nghệ Sen Đỏ, được thành lập bởi Tập đoàn FPT. Sendo vừa nhận khoản đầu tư 61 triệu USD từ năm ngoái. Sau vòng rót vốn series C, nhà đầu tư trong nước nắm gần 37% Sendo và 13 cổ đông ngoại nắm hơn 63% cổ phần. Trong đó, SBI E-Vietnam là cổ đông ngoại lớn nhất nắm 21,85%, Econtext Asia nắm 11,47%, Beenos Asia nắm 5,93%...
Báo cáo về Bảng xếp hạng doanh nghiệp Thương mại Điện tử của iPrice trong quý 3 này cho thấy một thay đổi bất ngờ về thứ hạng. Sendo vươn lên đứng thứ 2 về lượng truy cập, qua mặt các đối thủ kỳ cựu như Lazada hay Tiki, chỉ xếp sau Shopee.
Nếu hai doanh nghiệp Sendo và Tiki sáp nhập, có thể là hy vọng cho nền thương mại điện tử trong nước. Tiki có lợi thế phục vụ cho người tiêu dùng sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, Sendo phổ biến hơn đối với người dùng ở khu vực ngoại ô và nông thôn của Việt Nam.
Việc hợp tác với hy vọng giành lại vị thế do thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị áp đảo bởi Shopee (Singapore) và Lazada (Trung Quốc).
Theo VNDirect, thị trường được dự báo tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn 2018-25, với tốc độ tăng trưởng kép 27% nhờ sự phổ biến của Internet và điện thoại thông minh cùng với thế hệ người tiêu dùng mới am hiểu công nghệ hơn.
Báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%.
Cuộc đua với đối thủ ngoại
Bán hàng online từng được ví là một “cuộc chơi đốt tiền” của các “đại gia” khi mà biên lợi nhuận thấp và các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng... lại rất lớn.
"Chúng tôi ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam", báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.
Có thể kể đến việc Thế giới Di động đóng cửa sàn TMĐT Vuivui. com hồi tháng 12/2018, tiếp đến là Robins.vn (tiền thân là Zalora Vietnam). Xa hơn, thị trường cũng chứng kiến sự ra đi của Beyeu.com, Lingo.vn, Foodpanda,... Mới đây, Adayroi cũng rời bỏ thị trường. Ngày 25/12, Lotte.vn đã gửi thông báo sẽ ngừng kinh doanh.
Bán hàng online ngày càng khốc liệt |
Theo DealStreetAsia, các trang thương mại điện tử tại Việt Nam trụ lại được chỉ nhờ vào tiềm lực tài chính mạnh. Các doanh nghiệp đang gồng khoản lỗ rất lớn và được dự đoán sẽ tiếp tục lỗ thêm để duy trì vị trí của mình. Nếu không đủ tiền để "đốt", người nào bỏ cuộc, người đó trắng tay.
Thực tế, với số vốn đầu tư khủng, Tiki và Sendo vẫn tiếp tục thu lỗ. Báo cáo tài chính năm 2018 của VNG cho biết riêng trong năm qua, khoản đầu tư của công ty vào Công ty cổ phần Tiki đã lỗ 254 tỷ đồng. Tính lũy kế kể từ khi bắt đầu rót vốn vào Tiki đến nay, VNG đã lỗ 460 tỷ đồng.
"Sendo là một sàn thương mại điện tử, ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị và cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh này thì lỗ là chuyện bình thường", lãnh đạo của FPT từng chia sẻ.
Hai đối thủ lớn là Lazada và Shopee liên tục được tăng vốn từ công ty mẹ. Năm 2017, Alibaba đã rót thêm 2 tỷ USD cho Lazada Group, nâng tổng đầu tư lên 4 tỷ USD. Còn Sea cũng rót vốn vào Shopee ở Đông Nam Á, con số này trong năm 2018 là hơn 800 triệu USD.
Một trường hợp cụ thể minh chứng cho sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn thương mại điện tử là cuộc chạy đua khuyến mãi, khởi nguồn từ chương trình bán hàng giảm giá lớn tới 95% của Lazada vào 9/5/2018 nhân dịp kỷ niệm 6 năm thành lập sàn này với thông điệp "Đại tiệc giảm giá mừng sinh nhật", thì ngay lập tức Shopee tung ra chương trình giảm giá cạnh tranh với thông điệp "Cần gì sinh nhật, deal vẫn sốc, giá vẫn bốc".
Liệu Tiki và Sendo có sáp nhập được hay không, câu trả lời còn ở phía trước. Để điều này thành hiện thực thì điều kiện cần vẫn phải là huy động được thêm vốn để có thể tiếp tục gia tăng vị thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Duy Anh