Mở cửa với 22.629,06 điểm, thấp hơn gần 240 điểm so với giá đóng phiên giao dịch lịch sử một ngày trước, Dow Jones có lúc sụt xuống 22.267,42 điểm trước khi hồi phục lại mức 23.138,89 điểm vào cuối phiên, tăng 260,37 điểm so với phiên giao dịch trước đó. Biến động lớn nhất xảy ra trong những giờ giao dịch cuối cùng dù mức thấp được duy trì gần như suốt buổi.
Với 1,14%, Dow Jones là chỉ số chính có mức tăng trưởng tốt nhất của chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch vừa qua. Nasdaq đóng phiên với mức tăng nhẹ 0,4% trong khi S&P 500 cũng chỉ tăng với mức 0,8%. Dẫu vậy, mức tăng của phiên giao dịch vừa diễn ra cũng khiêm tốn hơn rất nhiều so với phiên giao dịch một ngày trước.
Những biến động mạnh là điều mà các nhà đầu tư đang bị buộc phải làm quen trong những phiên giao dịch của tháng 12 này. Đây cũng là tháng 12 được coi là tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái 1931. Trong 9 phiên giao dịch vừa qua, có tới 8 lần Dow Jones tăng hoặc giảm 250 điểm.
Tony Dwyer, nhà phân tích thị trường tại Canaccord Genuity, cho biết: "Bản chất của con người là rất nhất quán: Nỗi đau là động lực cuối cùng để thay đổi và 20% giá trị vốn hóa thị trường bị thổi bay trong vòng 3 tháng cho thấy mọi nỗi đau đều đã bị đẩy lên tới đỉnh điểm, điều người ta cũng hiếm khi nhìn thấy trong lịch sử".
Theo đó, các nhà đầu tư nên sẵn sàng cho nhiều biến động hơn với những gì được mô tả là "sự hỗn loạn ở Washington hay nguy cơ FED tăng lãi suất.... Tổng thống Trump, người đã xé tan các chính sách thương mại toàn cầu, đã khiến thị trường bất ổn hơn khi phát tín hiệu cho thấy ông muốn sa thải Chủ tịch FED Jerome Powell vì không hài lòng với các lần tăng lãi suất.
Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng tăng trưởng, dù là chậm hơn, trong năm 2019. Đó là lý do tại sao một số nhà phân tích thị trường tin rằng chứng khoán Mỹ đang bị bán tháo quá mức. S&P 500 đã thấp hơn 8% so với năm ngoái trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua và tăng trưởng GDP đạt 3,4% trong quý 3.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận nỗi sợ hãi đã bao trùm thị trường chứng khoán. Tâm lý lo sợ, chờ đợi dẫn tới các đợt bán tháo lớn. "Rõ ràng, các đợt bán tháo quá mức có thể diễn ra nhiều và thường xuyên trong một môi trường hoảng loạn", Dwyer cho hay.
Thị trường giảm khoảng 20% khi nền kinh tế mạnh thường kéo theo một sự phục hồi. Đó là những gì đã xảy ra năm 1987 sau ngày thứ hai đen tối, năm 1998 sau cuộc khủng hoảng nợ của Nga và năm 2011 sau khi xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ điểm. năm 1987, thị trường tăng vọt 50% trong 2 năm sau khủng hoảng. Cổ phiếu trở lại mức tăng 20% trong vòng bốn tháng sau hai cuộc bán tháo năm 1998 và 2011.
Người ta đang kỳ vọng điều tương tự sắp diễn ra.