Khoảng 5 giờ chiều (giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai Dow Jones cho thấy mức mở cửa sẽ tăng hơn 1.000 điểm ở phiên ngày 10/3. Hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq-100 cũng có diễn biến khởi sắc.
Đà tăng này đã xoá đi phần nào sự sụt giảm mạnh ở phiên giao dịch ngày hôm qua. Thị trường có chuyển biến tích cực sau khi Tổng thống Donald Trump đề xuất cắt giảm thuế thu nhập từ lương và hỗ trợ những người lao động làm việc theo giờ nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của virus corona. Những ưu đã về thuế sẽ nằm trong gói chi tiêu trị giá 8,3 tỷ USD mà ông Trump đã ký kết vào tháng trước.
Ở phiên ngày hôm qua, chứng khoán Mỹ đã hứng chịu đợt bán tháo mạnh, khiến Dow Jones và S&P 500 đều mất gần 8%, chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Ngoài ra, mức giảm hơn 2.000 điểm của Dow Jones cũng là đà lao dốc mạnh nhất từ trước đến nay của chỉ số này.
Diễn biến tiêu cực liên tiếp diễn ra đã xoá bỏ đà tăng bấy lâu của thị trường. Sau phiên ngày 9/3, S&P 500 thấp hơn mức cao nhất mọi thời đại 19% - 3.393,53 điểm, thiết lập vào ngày 19/2. Chỉ số này sẽ rơi vào thị trường "gấu" nếu giảm 20% so với mức đỉnh.
Trong khi đó, giá dầu hồi phục nhẹ. Tính đến 4 giờ chiều (giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai dầu thô WTI Mỹ đã tăng 3% lên mức 35,33 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô Brent tăng thêm 3% ở mức 32,11 USD/thùng.
Sự hồi phục diễn ra sau khi cuộc chiến giá dầu được kích hoạt khiến thị trường hoảng loạn về nguy cơ khủng hoảng kinh tế, cùng với đó là tốc độ lây lan chóng mặt của Covid-19. Ngày 9/3, giá dầu có một ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1991, với giá dầu WTI rớt tới 24%, khi các cuộc đàm phán của OPEC thất bại, Ả Rập Xê Út quyết định giảm giá bán dầu thô vào tháng 4.
Tình trạng bán tháo diễn ra trong hoảng loạn, khiến công cụ ngắt mạnh thị trường được kích hoạt trong 15 phút đầu phiên hôm 9/3.
Theo đó, nhà đầu tư tiếp tục tìm đến các loại tài sản an toàn hơn. Lần đầu tiên, lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm giảm xuống dưới mức 0,5%, có lúc rớt xuống 0,318%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu 30 năm giao dịch quanh mức 1%.