Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 431,17 điểm, tương đương 1,34%, lên 32.654,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 80,84 điểm, tương đương 2,02%, lên 4.088,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 321,73 điểm, tương đương 2,76%, lên 11.984,52 điểm.
Đà phục hồi xuất hiện sau khi thị trường giảm điểm thời gian dài. Chỉ số S&P 500 có tuần thứ 6 giảm điểm liên tiếp, lâu nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, chuỗi giảm điểm tuần liên tiếp của chỉ số Dow Jones đã tăng lên con số 7 và đây là cũng chuỗi giảm điểm dài nhất của chỉ số này trong hơn 2 thập kỷ qua. Tính tới thời điểm hiện tại của năm, chỉ số S&P 50 và Dow Jones mất lần lượt 14,2% và 10,1%.
Diễn biến chỉ số Dow Jones trong vài ngày qua. Ảnh: CNBC.
"Kết quả phiên giao dịch hôm nay góp phần củng cố đà phục hồi của thị trường, xuất hiện trong ngày 13/5 vừa qua", theo Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại National Securities. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư đó là thời điểm mà thị trường phản ánh nhiều viễn cảnh xấu nhất dường như đã tới.
Giá cổ phiếu của Citigroup và Paramount Global tăng mạnh trong phiên giao dịch 17/5 sau khi Berkshire Hathaway tiết lộ tỷ lệ cổ phần mà họ đang nắm giữ tại hai doanh nghiệp này. Giá cổ phiếu của Citigroup tăng 7,6% sau khi công ty đầu tư của tỷ phú Warren Buffet thông báo họ đã mua thêm số cổ phiếu trị giá 3 tỷ USD của Citi trong quý I. Trước đó, giá cổ phiếu của Citi trước đó giảm tới 34,1% trong vòng 12 tháng qua.
Trong khi đó, giá cổ phiếu của Paramount Global cũng tăng gần 15,4% sau khi thông tin Berkshire nắm giữ khoảng 2,6 tỷ USD cổ phiếu của công ty tính đến cuối tháng 3 được công bố.
Lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn cũng tăng điểm trong ngày 17/5. Giá cổ phiếu của Advanced Micro Devices tăng 8,7% sau nhận định tích cực của Piper Sandler. Giá cổ phiếu của Nvidia tăng gần 5,3%. Giá cổ phiếu của Qualcomm tăng 4,3%, Micron Technology tăng khoảng 5,7%.
Giá cổ phiếu hàng không không nằm ngoài đà tăng điểm. Giá cổ phiếu của United Airlines tăng gần 7,9%. Delta tăng 6,7% và American Airlines tăng 7,7%.
Về các dữ liệu kinh tế, doanh số bán lẻ tháng 4 của Mỹ mới được công bố đồng nhất với dự báo trước đó. Chi tiêu tiêu dùng bán lẻ tăng 0,9% trong tháng 4, theo Cục Thống kê dân số quốc gia này.
Trong khi đó, báo cáo lợi nhuận của một số doanh nghiệp bán lẻ lớn như Home Depot và Walmart là hai câu chuyện hoàn toàn khác biệt.
Giá cổ phiếu của Home Depot tăng khoảng 1,7% sau khi doanh nghiệp này công bố lợi nhuận cao hơn so với dự báo trong quý I vừa qua. Doanh nghiệp này cũng nâng dự báo doanh thu cả năm. Trong một báo cáo công bố ngày 17/5, các chuyên gia phân tích của Jefferies nhận định công ty "hưởng lợi lớn từ sức mua ‘khỏe’ của người tiêu dùng" thông qua nhiều dự án tái cấu trúc mô hình kinh doanh.
Ngược lại, giá cổ phiếu của Walmart giảm gần 11,4% sau khi công ty này không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Công ty nâng dự báo doanh thu nhưng hạ dự báo lợi nhuận cả năm, do giá cả tăng cao.
Trong buổi chiều phiên giao dịch ngày 17/5, thị trường giảm điểm nhẹ trước phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell trong một cuộc hội thảo tổ chức bởi Wall Street Journal.
"Nếu như kiểm soát lạm phát buộc chúng tôi phải bỏ lại những ngưỡng trung lập sau lưng, chúng tôi sẽ không do dự làm điều đó. Chúng tôi sẽ hành động cho tới khi nào các điều kiện tài chính đạt được mức độ ổn định nhất định và lạm phát giảm xuống. Chúng tôi sẽ đạt được điều đó. Không có sự do dự nào ở đây", ông Powell nói.
Quan ngại lạm phát
Một số chuyên gia hoài nghi liệu thị trường có duy trì được đà phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với rủi ro suy thoái hay không?
"Dù tăng điểm mạnh trong ngày 13/5, nhưng quan điểm giảm điểm của chúng tôi đối với thị trường chứng khoán Mỹ vẫn không hề thay đổi", theo Chris Senyek, Giám đốc chiến lược đầu tư tới từ Wolfe Research.
Không ít người nhận định một giai đoạn tăng điểm sẽ không kéo dài trong bối cảnh hiện tại.
"Những lần tăng điểm như thế này chỉ kéo dài một hoặc hai tuần trong quá khứ", Chris Murphy tới từ Susquehanna chia sẻ.