Cụ thể, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Những nhận định từ ông Tập đã thúc đẩy thị trường toàn cầu, vốn đang chịu áp lực khi Trung Quốc và Mỹ đe dọa áp đặt hàng rào thuế quan lẫn nhau có giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Lĩnh vực công nghệ, vốn đặc biệt chịu ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại với Trung Quốc, đã tác động tích cực nhất đến S&P 500 trong phiên ngày thứ Ba.
Cổ phiếu Facebook vọt 4.5% và có thành quả tốt nhất thuộc S&P 500 sau khi Giám đốc điều hành (CEO), Mark Zuckerberg, bắt đầu điều trần trước Quốc hội Mỹ. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất về phương diện phần trăm của cổ phiếu này trong gần 2 năm.
Bên cạnh đó, chỉ số năng lượng cộng 3.3% và tăng mạnh nhất trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, khi giá dầu Brent vượt mốc 70 USD/thùng.
Trong khi đó, lĩnh vực tiện ích và bất động sản, vốn nhạy cảm với lãi suất, nhuốm sắc đỏ sau khi giá sản xuất tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 3/2018, qua đó cho thấy lạm phát đang mạnh mẽ và đẩy lãi suất tăng cao hơn.
Nhà đầu tư cũng đang chờ đợi mùa báo cáo lợi nhuận bắt đầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng chứng khoán. Trong đó các ngân hàng JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo sẽ công bố báo cáo lợi nhuận quý 1 vào ngày thứ Sáu.
Các nhà phân tích dự báo lợi nhuận quý 1 của các công ty thuộc S&P 500 leo dốc 18.5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 7 năm, dữ liệu từ Thomson Reuters cho thấy.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones tiến 428.9 điểm (tương đương 1.79%) lên 24,408 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 43.71 điểm (tương đương 1.67%) lên 2,656.87 điểm và chỉ số Nasdaq Composite vọt 143.96 điểm (tương đương 2.07%) lên 7,094.30 điểm.
Số cổ phiếu tăng vượt số cổ phiếu giảm trên sàn New York theo tỷ lệ 3.16:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 3.93:1.
Khoảng 7.14 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, thấp hơn mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 7.33 tỷ, dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy.