Trong báo cáo mới được công bố, Dragon Capital đã có những đánh giá về triển vọng kinh tế cũng như TTCK Việt Nam.
Dư nợ margin trở lại đỉnh lịch sử, cổ phiếu trụ sẽ hút tiền trở lại khi tiêm chủng được đẩy nhanh và nới lỏng giãn cách
Trong tháng 8, chỉ số VN-Index tiếp tục phục hồi sau đợt bán tháo vào tháng trước, tăng 1,6% và đóng cửa ở mức 1331 điểm. Dragon Capital đánh giá điều này cho thấy thị trường khá vững vàng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và chịu nhiều ảnh hưởng của việc tăng cường giãn cách với hoạt động kinh tế xã hội.
Nhà đầu tư dường như đang hướng kỳ vọng vào một Quý 4 tích cực hơn so với Quý 3, khi tình trạng giãn cách sẽ được nới lỏng dần. Tuy nhiên, diễn biến giằng co cho thấy thị trường vẫn còn khá dè chừng. Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sẽ giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư.
Trong tháng 8, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục điều chỉnh, ngược với xu hướng tăng của thị trường. Dragon Capital cho rằng các ngân hàng đang có tình hình tài chính lành mạnh, tuy nhiên bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi diễn biến Covid phức tạp.
Những nhóm ngành bị lãng quên trước đó như vận tải biển, cảng, phân bón, hóa chất, dược,…bất ngờ thu hút dòng tiền và tăng ấn tượng. Ngành chứng khoán cũng tiếp tục tăng giá, bình quân trên 18% khi thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao. Với diễn biến hiện tại, Dragon Capital đánh giá khả năng cao lợi nhuận của các công ty chứng khoán sẽ vượt dự phóng và kế hoạch đặt ra trước đó.
Theo ước tính của Dragon Capital, dư nợ cho vay tăng khá mạnh trong tháng 8, quay lại gần mức kỷ lục tháng trước, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm. Thị trường kỳ vọng vào dòng tiền khối ngoại trở lại khi giá trị mua ròng đạt hơn $200 triệu trong tháng 7, nhưng điều này vụt tắt khi khối ngoại quay đầu bán ròng $308 triệu trong tháng 8. Một phần trong số này đến từ việc thoái vốn của các tổ chức lớn – KKR bán ra $150 triệu VHM, GIC bán $109 triệu MSN, ngoài ra Daiwa và DBJ cũng bán $90 triệu SSI.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục hồi phục, tuy nhiên dòng tiền có vẻ đang rời khỏi nhóm dẫn dắt trước đây để tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành khác. Dragon Captial cho rằng VN-Index sẽ tích luỹ ở mức hiện tại và dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi thị trường chờ đợi diễn biến tiếp theo của chính sách chống dịch. Dòng tiền sẽ trở lại nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường khi tiến độ tiêm chủng tiếp tục được đẩy nhanh và giãn cách xã hội được nới lỏng. Nhóm cổ phiếu lớn này mang lại giá trị, chất lượng và sự tăng trưởng vượt trội trong dài hạn. Tuy vậy, với diễn biến dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến ban đầu, Dragon Capital tiếp tục hạ dự phóng tăng trưởng EPS năm 2021 cho nhóm DC Top-60 từ 45% về 41% (sau khi điều chỉnh tỷ lệ free-float).
Vĩ mô sẽ hồi phục từ quý 4 và tăng mạnh mẽ vào năm 2022
Về yếu tố vĩ mô, Dragon Capital cho rằng cán cân thương mại có thể thâm hụt trong năm nay. 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tăng trưởng 21,2% lên mức $212,6 tỷ, trong khi nhập khẩu tăng 33,8% lên mức $216,3 tỷ. Điều này có nghĩa là cán cân thương mại ghi nhận con số thâm hụt ở mức -$3,7 tỷ. Dragon Capital dự báo các khó khăn nêu trên sẽ chưa thể sớm được gỡ rối và thâm hụt có thể lên tới -$5,2 tỷ cho cả năm, dẫn đến tài khoản vãng lai của Việt Nam năm nay có thể âm -$3 tỷ.
Tuy nhiên, Dragon Capital cũng cho rằng sự thay đổi trong tài khoản vãng lai khá bé (từ +2.0% GDP về -0,84% GDP) lại mang tính ngắn hạn nên sẽ không tác động lên tiền đồng, khi VND tăng giá 1% trong tháng 8 và 1,4% tính từ đầu năm, nằm trong top những đồng tiền tăng giá nhiều nhất ở châu Á năm nay.
Mặc dù các chuyến bay quốc tế bị hạn chế, chuyên gia nước ngoài chưa thể qua làm việc, giải ngân FDI 8 tháng đạt $11,6 tỷ, tăng 2% so với năm ngoái, cao hơn mức trung bình 5 năm 2016-20. Vốn FDI đăng ký ở mức $19,1 tỷ, không thay đổi nhiều so với $19,5 tỷ năm 2020. Đáng chú ý, LG xác nhận sẽ đầu tư thêm $1,4 tỷ để mở rộng sản xuất, trong khi Apple đang ráo riết tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam. Điều này khẳng định niềm tin của các tập đoàn FDI vào triển vọng dài hạn của Việt Nam, và xu hướng dịch chuyển sản xuất vẫn đang diễn ra mạnh mẽ bất chấp những ảnh hưởng ngắn hạn từ dịch Covid-19.
FED đã phát tín hiệu về khả năng sẽ thu hẹp chương trình kích thích tiền tệ năm nay, Dragon Capital tin rằng chính sách của Việt Nam sẽ khó có thể đi ngược lại với thế giới. Khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay là thấp mặt dù lạm phát vẫn đang ổn định, dự báo chỉ 3,1%. Thay vào đó, NHNN giữ thanh khoản dồi dào để duy trì mặt bằng lãi suất hiện tại bằng việc bơm 158.000 tỷ vào hệ thống liên ngân hàng vào tháng 7 và 8, và có khả năng sẽ cấp thêm room tín dụng để cả năm đạt 12-14%.
Dragon Capital đánh giá số liệu vĩ mô tháng 8 và Quý 3 có thể là dữ liệu xấu nhất trong rất nhiều năm trở lại đây, khi phản ánh gần như tất cả mọi ảnh hưởng tiêu cực của Covid lên nền kinh tế. Tuy nhiên, việc giãn cách không thể mãi diễn ra và khi tỷ lệ tiêm chủng được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải dần sống chung với dịch, nền kinh tế phải sớm thích nghi. Do đó, Dragon Capital tin rằng các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng là đầu tàu kinh tế sẽ phục hồi trở lại vào Quý 4 và tăng trở lại mạnh mẽ vào năm 2022.