Giữa lúc cổ phiếu SAB của Sabeco liên tục rớt giá và Sabeco cũng đang lùm xùm vì những công bố từ Kiểm toán Nhà nước, 7 quỹ thuộc nhóm của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đã bất ngờ công bố mua thêm 15,3 triệu cổ phiếu SAB từ tay Norgard Pte. Ltd- một quỹ đầu tư tại Singapore.
Tin ở thị trường bia
Trước khi triển khai thương vụ, Dragon Capital đã là nhà đầu tư ở Sabeco, nhưng với số lượng sở hữu SAB chỉ bằng 1/5 lượng đặt mua lần này. Sau giao dịch, Dragon Capital trở thành tổ chức nắm giữ 1/4 lượng cổ phiếu tự do lưu hành ở Sabeco. Dragon Capital hiện sở hữu khoảng 2,9% vốn ở Sabeco. Đây là tỉ lệ còn rất khiêm tốn so với các cổ đông lớn khác ở Sabeco là Vietnam Beverage (khoảng 53,6%) và Bộ Công Thương (36%), Heineken (5%). Mặc dù vậy, các quỹ thuộc Dragon Capital có vẻ không ngần ngại khi chi ra gần 3.300 tỉ đồng cho thương vụ trên. Đây là số tiền ước lượng theo thị giá cổ phiếu SAB chứ Dragon Capital không công bố con số chính thức.
Chuyên viên phân tích cao cấp ở một quỹ đầu tư lớn tại TP.HCM nhận định, có thể do Dragon Capital nhận thấy giá cổ phiếu SAB đã về mức phù hợp với chiến lược của các quỹ thuộc Dragon Capital nên đẩy mạnh mua vào. Cụ thể, giá 214.000 đồng/cổ phiếu SAB trong ngày 15.3 đã giảm 35% so với thời điểm Sabeco bán bớt 53,6% cổ phần cho Vietnam Beverage. Xét vị thế, SAB đang trong top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. Vì thế, rót vốn vào SAB, Dragon Capital sẽ ít nhiều kiểm soát được các ảnh hưởng từ biến động thị trường. Ngoài ra, Dragon Capital gia tăng đầu tư vào Sabeco có thể còn vì hy vọng đà tăng giá trở lại của cổ phiếu SAB cũng như tin ở tương lai phát triển của Sabeco.
Sabeco là một doanh nghiệp đầu ngành bia Việt Nam khi chiếm thị phần khoảng 43%, theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC). Sabeco lại hoạt động trong ngành bia còn khả năng tăng trưởng (trung bình 8-10%/năm) và cho tỉ suất lợi nhuận gộp khá cao (khoảng 30%). Hiện tại, Sabeco có các chỉ số tài chính khá tốt, khi tiền và tương đương tiền vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng tài sản (khoảng 30-32%), tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức thấp. Còn doanh thu, lợi nhuận của Sabeco vẫn tăng trưởng đều đặn 9-10% mỗi năm. Riêng năm 2017, với việc đẩy mạnh nhãn hiệu Saigon Special cùng gia tăng thị phần ở miền Bắc mà doanh thu cả năm của Sabeco tăng 12%, đạt 34.200 tỉ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng 8%, đạt 4.800 tỉ đồng.
Trong 3 năm tới, Sabeco đặt mục tiêu tập trung tăng doanh số của Saigon Lager, Saigon Special, Saigon Gold (sản phẩm mới và cao cấp). Để làm được điều này, Sabeco dành ngân sách marketing năm 2017 là 62,4 triệu USD và ngân sách này sẽ tăng không thấp hơn 10%/năm cho 5 năm kế tiếp. Ban lãnh đạo của Sabeco kỳ vọng sẽ tăng thêm 1-2% thị phần/năm trong vài năm tới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Sabeco có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định vì chưa tối ưu hóa hoạt động. Sabeco sẽ còn gặp các yếu tố bất lợi khác như thuế tiêu thụ đặc biệt 2018, đề án dám tem, giá nguyên liệu mạch nha và vỏ nhôm, đã tăng 5% và 7%.
Đầu năm 2018, phía TCC, chủ sở hữu ThaiBev (đơn vị gián tiếp nắm giữ 49% ở Vietnam Beverage), cho biết, Tập đoàn sẽ hỗ trợ Sabeco đạt mục tiêu đẩy mạnh phân phối, gia tăng thị phần lên 50%, dựa vào mạng lưới bán lẻ, cửa hàng tiện lợi của Tập đoàn Thái Lan. TCC Group cũng sẽ giúp Sabeco mở rộng ra thị trường đồ uống không có cồn và rượu. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi nhiều thời gian. Vì thế, trước mắt, định giá mà các công ty chứng khoán ước tính cho SAB đều dưới 200.000 đồng/cổ phiếu. Nếu so sánh, rõ ràng các quỹ thuộc Dragon Capital có vẻ đã “hào phóng” khi mua thêm cổ phiếu SAB.
“Thực đơn bluechip”
Cổ phiếu SAB trở nên quan trọng đối với Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) khi đây là quỹ mua vào nhiều nhất trong đợt này. VEIL hiện là quỹ lớn nhất của Dragon Capital, có giá trị tài sản ròng (NAV) tính đến ngày 19.3 là 1,83 tỉ USD. VEIL đã tăng trưởng mạnh mẽ cả về NAV và giá chứng chỉ quỹ. Theo báo cáo cập nhật của VEIL (ngày 15.3), tính từ đầu năm đến nay, VEIL đã ghi nhận tăng trưởng NAV là 15% và tăng trưởng giá chứng chỉ quỹ là gần 16%. So với các chỉ số thị trường thì tăng trưởng của VEIL là nhỉnh hơn.
VEIL đầu tư chủ yếu vào nhóm ngân hàng (chiếm 25,6% tổng đầu tư), bất động sản (17,2%), thực phẩm đồ uống (F&B) (16,9%), năng lượng (11,6%)... Đây đều là những ngành có nhiều triển vọng khi hướng đến phục vụ thị trường đông dân. Chẳng hạn, theo BMI, ngành F&B dự kiến sẽ đạt tăng trưởng 11,2% từ đây đến năm 2021. VEIL đã mua nhiều nhất các cổ phiếu như ACB (7,6% của NAV), MBB (7,1% của NAV), VNM (6,65%), MWG (6,59%), KDH (5,13%), GAS (4,06%), HPG (3,63%), FPT (3,58%), VJC, ACV... Đặc điểm chung của các cổ phiếu này là thuộc những công ty dẫn đầu ngành, đạt kinh doanh nổi bật và có giá cổ phiếu ở xu thế tăng. Top 10 cổ phiếu hiện chiếm gần 51% tài sản của VEIL.
Quỹ lớn thứ 2 của Dragon Capital là Vietnam Equity (Ucits) Fund (VEF). NAV của quỹ này ở ngày 16.3 là 100,2 triệu USD, giảm đáng kể so với con số 163 triệu USD hồi cuối năm 2017. Tuy nhiên, NAV/CCQ của VEF ngày 15.3 là 25,33USD, cao hơn con số cuối năm 2017. Điều này cho thấy, một số nhà đầu tư đã rút bớt vốn trong 2 tháng đầu năm.
Danh mục của Quỹ VEF, tính từ đầu năm 2018 đến nay chỉ tăng 8,35%, trong khi đà tăng của FTSE - VN Index là 14,65%. Nguyên nhân được xác định do danh mục của VEF, không sở hữu những cổ phiếu tăng mạnh như VIC, MSN... Hiện tại, VEF mua vào nhiều nhất VPB, MWG, PNJ, MBB, FPT, DHG, CTD, CII, CTI VCI. Trên thực tế, Dragon Capital trung thành với các cổ phiếu bluechip và cơ cấu lại danh mục cổ phiếu theo hướng ưu tiên đầu tư vào nhóm ngành như ngân hàng, chế biến thực phẩm, bán lẻ, năng lượng... Ngoài ra, Dragon Capital còn có những điều chỉnh trong chiến lược đầu tư vào doanh nghiệp bất động sản. Từ cuối năm 2017, Dragon Capital đã âm thầm ký kết, trở thành cổ đông chiến lược tại Cen Land, (thuộc Cen Group), Hải Phát Invest, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI). Dragon Capital còn nhắm đến một số công ty bất động sản đang có kế hoạch IPO trong năm 2018 như MB Land, Sơn Kim Land...
Như vậy, kể từ sau những thương vụ đầu tư tại những doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland (NVL), Vingroup (VIC), Vincom Retail (VRE), Khang Điền (KDH), Đất Xanh (DXG)... Dragon Capital đổi khẩu vị, tìm hàng mới trong những doanh nghiệp bất động sản “nhóm 2” với quy mô cỡ vừa và nổi tiếng phía Bắc. Đại diện Dragon Capital từng phân tích, các doanh nghiệp bất động sản dạng này sẽ có nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.