Trong báo cáo mới được công bố, Dragon Capital cho biết trong khi làn sóng Covid lần 4 dần được kiểm soát, giãn cách được nới lỏng, thị trường có dấu hiệu phục hồi và duy trì xu hướng tích lũy. Tăng trưởng lợi nhuận và định giá vẫn đang ở mức hấp dẫn. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán đang tiếp tục tăng vốn, giúp nguồn cho vay ký quỹ thêm dồi dào.
Ở khía cạnh khác, có một số lo ngại rằng khi nền kinh tế mở cửa trở lại, dòng tiền sẽ chảy ra khỏi thị trường chứng khoán và đổ vào bất động sản hoặc các kênh kinh doanh khác. Dragon Capital cho rằng nếu thanh khoản tiếp tục giảm và áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn diễn ra, thì có thể dẫn đến sự điều chỉnh của thị trường.
Dragon Captial đánh giá triển vọng vĩ mô toàn cầu sẽ có tác động tới Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng, nếu giải quyết được sẽ giảm bớt các rào cản kìm hãm tăng trưởng, cũng như áp lực lạm phát có thể xuất hiện trong tương lai.
Ngành sản xuất sẽ dẫn dắt sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt 9,6%
Theo Dragon Capital, tác động tàn phá của Covid-19 lên nền kinh tế được phản ánh vào GDP Quý 3/2021, thời điểm dịch bệnh ở giai đoạn nghiêm trọng nhất. GDP của Việt Nam giảm 6,2% vào quý 3 nhưng vẫn tăng trưởng dương ở mức 1,42% trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, 2 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là sản xuất và dịch vụ đều ghi nhận giảm, ở mức tương ứng -9,3% và -5% so với cùng kỳ. Nông, lâm, ngư nghiệp là ngành duy nhất giữ được mức tăng trưởng dương trong quý 3, ở mức +1,0%.
Ở mặt trận chống dịch, tình hình đang có những chuyển biến tích cực. Cả nước ghi nhận 4.363 ca nhiễm vào ngày 5/10, giảm 66% so với đỉnh vào đầu tháng 9, và số ca tử vong cũng giảm mạnh từ 390 về mức trung bình 120 ca/ngày. TP.HCM, nơi tâm dịch của cả nước, việc tiêm chủng đại trà đã được thực hiện nhanh chóng, với 100% dân số ở tuổi trưởng thành được tiêm 1 mũi và 65% được tiêm đủ 2 mũi. Nhờ đó, thành phố và các tỉnh lân cận đã cho phép hoạt động trở lại một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và dịch vụ kể từ 1/10. Dragon Capital dự báo phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến sẽ được mở rộng hơn vào tháng 11 và hướng đến trở lại bình thường vào giữa tháng 1 năm 2022.
Tuy nhiên, Dragon Capital cũng lưu ý quá trình mở cửa nền kinh tế còn nhiều thách thức phía trước. Hàng trăm ngàn lao động trở về quê có thể làm trầm trọng hơn vấn đề tạm thời thiếu hụt nhân công ở các thành phố lớn và khu sản xuất.
Tỷ lệ sử dụng lao động tháng 9 tại các vùng áp dụng chỉ thị 16+ là 33% và các vùng áp dụng chỉ thị 16 là 78% so với trước thời điểm phong tỏa. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng bên ngoài TP.HCM cận thấp là rào cản cho người lao động muốn trở lại thành phố, đồng thời hạn chế việc giao thương trở lại giữa các tỉnh thành. Một điểm đáng chú ý nữa là các ngân hàng trung ương lớn đang có tín hiệu thắt chặt lại và giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 47,4% kế hoạch năm, dẫn đến việc kích thích kinh tế trở nên khó khăn. Điều này yêu cầu cần phải có các gói hỗ trợ mới, cấp thiết hơn, có quy mô và tác động sâu rộng hơn.
Năm 2020, khi áp dụng chính sách zero-COVID, cả hai ngành dịch vụ và sản xuất đều phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Lần này, khi xoay trục về chiến lược "Sống chung với COVID", Dragon Capital cho rằng ngành sản xuất là ngành được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi kinh tế những tháng cuối năm, với nhiều đơn hàng quốc tế dồn lại trong thời gian giãn cách. Ngành dịch vụ sẽ vẫn chưa thể quay lại mức tăng trưởng như thời điểm trước phong tỏa cho đến khi các đường bay quốc tế được mở lại hoàn toàn.
Dragon Capital duy trì quan điểm tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 2,0-2,4% trong năm 2021, tuy nhiên con số khiêm tốn này sẽ là tiền đề cho sự tăng trưởng vượt bậc, dự báo 9,6% vào năm tới.