Đầu tháng 4 vừa qua, Tập đoàn SoftBank đã đột ngột hủy bỏ thỏa thuận chi 3 tỷ USD mua lại cổ phần từ cựu CEO tai tiếng của WeWork – Adam Neumann và các nhà đầu tư khác như Benchmark Capital nhằm cứu kỳ lân công nghệ từng có giá trị cao nhất thế giới khỏi cảnh phá sản.
Benchmark Capital thông báo: "SoftBank nói với ủy ban đặc biệt của hội đồng quản trị WeWork rằng họ không chấp nhận đề nghị mua lại từ tháng 10/2019". Điều này khiến Ủy ban rất bất ngờ và thất vọng. Họ cam kết sẽ tìm kiếm giải pháp có lợi nhất cho WeWork, nhà đầu tư thiểu số cũng như nhân viên công ty, không ngoại trừ khả năng đâm đơn kiện.
Thời điểm hiện tại, Neumann được cho là đang lên kế hoạch kiện SoftBank vì vụ hủy thỏa thuận mua lại cổ phần trên. Thông tin này được Bloomberg tiết lộ sau khi đọc được bức thư do luật sư của SoftBank gửi cho hội đồng quản trị của We Company, công ty mẹ của WeWork. Trong đó có đoạn: "Adam Neumann nói rằng anh ta có ý định nộp đơn kiện SoftBank".
Khi WeWork rơi vào khủng hoảng trầm trọng và phải hoãn IPO vô thời hạn, SoftBank đã loại bỏ Adam Neumann khỏi vị trí CEO công ty vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, nhà đồng sáng lập WeWork vẫn hưởng lợi từ việc SoftBank mua lại cổ phần của mình trị giá gần 1 tỷ USD, kèm theo 185 triệu USD "phí tư vấn" và được cấp hạn mức tín dụng trị giá 500 triệu USD để trả nợ cho JP Morgan Chase.
Masayoshi Son - Chủ tịch SoftBank (trái) và Adam Neumann.
Về phần mình, nhà đầu tư lớn nhất của WeWork đã trích dẫn nhiều cuộc điều tra diễn ra tại công ty này về một số vấn đề như dân sự, hình sự và tài chính. Theo đó, SoftBank cho rằng họ không có trách nhiệm phải hoàn thành thỏa thuận khi những điều tra đó chưa có kết luận cuối cùng.
Trong bức thư gửi hội đồng quản trị của We Company tuần trước, luật sư của SoftBank nói thêm rằng "WeWork không cần phải cho phép lượng tiền mặt dự trữ của mình được sử dụng để tài trợ cho một vụ kiện tốn kém chỉ để phục vụ lợi ích của một cá nhân".
Theo Bloomberg, luật sư đại diện của Neumann cũng đã liên hệ với luật sư của SoftBank để thảo luận tình hình.
Trong khi đó, các thành viên khác trong hội đồng quản trị của WeWork đã đệ đơn kiện SoftBank về vấn đề tương tự. Mục đích là tạo áp lực buộc SoftBank phải tiếp tục thỏa thuận, nếu không, tập đoàn này sẽ phải bồi thường cho sự mất mát của họ.
Tháng 10 năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ và truyền thông Nhật Bản ban đầu đồng ý gói cứu trợ trị giá 9,5 tỷ USD sau khi WeWork rơi vào cảnh sắp cạn tiền mặt trong vài tuần do sự nghi ngờ gia tăng của giới đầu tư về mô hình kinh doanh và hành vi cá nhân không phù hợp của Neumann.
Trong đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh cho thuê không gian làm việc của WeWork đang gặp phải không ít khó khăn bởi người dân được yêu cầu ở nhà và hàng loạt công ty phải tạm đóng cửa văn phòng. Trong lá thư gửi các nhà đầu tư cách đây không lâu, WeWork cảnh báo rằng họ có thể không đạt được các mục tiêu tài chính đã đề ra cho năm 2020 vì ảnh hưởng của dịch bệnh.