“Đắp chiếu”
Hưởng ứng kêu gọi đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi (Cty Hào Hưng) lập đề án đầu tư xây dựng hệ thống bến chuyên dụng gồm cầu cảng, kho bãi, cơ sở dịch vụ và các công trình phụ trợ khác... tại thôn Tuyết Diêm 3 (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.711 tỷ đồng.
Theo đề án, công trình gồm 2 bến cập tàu cho tàu có tải trọng từ 30.000 - 50.000 DWT, vũng quay tàu cảng Hào... Khi cảng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 9/2017, Cty Hào Hưng sẽ cùng Cty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina khai thác, quản lý tuyến luồng với công suất khai thác khoảng 6 triệu tấn hàng hóa/năm chuyên dụng phục vụ Khu kinh tế Dung Quất và là đầu mối giao thông quan trọng của cả vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung bộ.
Ngày 26/7/2017, khi thi công được khoảng 85% dự án và bắt tay xây dựng cầu cảng lớn nhất trong dự án, trong quá trình hút cát nạo vét xây cảng nước sâu và tạo bãi để xây dựng cảng chuyên dụng, Cty Hào Hưng phát hiện nhiều mảnh gốm sứ, mảnh gỗ cùng xác một chiếc tàu cổ có chiều dài khoảng 20 - 30m với nhiều cổ vật là chén, đĩa, bát với nhiều kích cỡ và hoa văn khác nhau được cho là từ thế kỷ XV nằm cách bờ kè xây dựng cảng biển khoảng 20m với độ sâu khoảng 9m.
Những mảnh gốm sứ và mảnh gỗ lấy lên từ vị trí tàu đắm được các chuyên gia khảo cổ xem xét và nhận định đây là phong cách gốm sứ Trung Quốc ở thế kỷ XV- XVI, và khả năng là hiện vật thuộc một con tàu đắm từ thời Minh (Trung Quốc) ở thế kỷ 15. Nhận thấy đây là những mảnh cổ vật hiếm, có giá trị lịch sử và kinh tế rất quan trọng, Cty đã chỉ đạo dừng toàn bộ việc thi công và lập tức báo cáo các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương.
Nhằm đảm bảo việc thi công cảng đúng tiến độ, Công ty Hào Hưng xây dựng phương án khai quật tàu cổ đắm theo hướng xã hội hóa gửi Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi thông qua để trình Bộ VH-TT-DL.
Ngày 16/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký Quyết định 571 về việc khai quật khẩn cấp tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất. Quyết định nêu rõ giao cho các cơ quan chức năng của địa phương và Cty Hào Hưng phối hợp khai quật khẩn cấp tàu cổ với quy định nêu rõ: Các tài sản xác tàu cổ bị đắm và các hiện vật sẽ là nguồn tư liệu quý giá góp phần hình thành các sản phẩm di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch của Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi ra Quyết định 571, nhiều quyết định “khó hiểu” giữa các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi từ đó cũng xuất hiện khiến việc trục vớt con tàu cổ đến nay vẫn không thể triển khai trong khi DN bị buộc dừng mọi hoạt động xây dựng cảng. Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hai cuộc họp bàn về phương án khai quật, có sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Hội đồng Di sản quốc gia, Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng nhiều chuyên gia trong ngành khảo cổ. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, vẫn chưa đưa ra được kết luận về phương án khai quật tàu cổ bị đắm.
Đuối sức
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thang Văn Hóa, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Hào Hưng, cho biết, đã 7 tháng trôi qua, nhưng các cơ quan chức năng của địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn chưa đưa ra quyết định về thời gian sẽ khai quật con tàu này.
Theo ông Hóa, toàn bộ các công trình xây dựng của doanh nghiệp đang triển khai thi công dang dở đến nay đã bị nước biển làm han gỉ và sẽ phải phá bỏ hoàn toàn để xây dựng lại khi dự án được triển khai lại. Số tiền thiệt hại của toàn bộ cảng vì bị đình trệ thi công tính đến 31/12/2017 lên tới hơn 86,1 tỷ đồng. Còn tính đến hết tháng 3/2018, số tiền thiệt hại đối với Cty đã lên tới hơn 100 tỷ đồng. Cũng vì bị đình trệ thi công mà Cty đã bị nhà thầu thi công lập biên bản yêu cầu đền bù hơn 5,12 tỷ đồng. Riêng việc phải dừng thi công, không đưa vào khai thác được trong 6 tháng qua của riêng khu cầu tàu lớn khiến Cty thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.
Tính toán của doanh nghiệp cũng cho thấy, do hoạt động của cảng bị ảnh hưởng nên số tiền thuế VAT mà DN nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng 6,5 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước cũng mất tới hơn 9,36 tỷ đồng tiền thu phí cảng vụ tính trên đầu tàu ra vào cảng. Tính tổng thể, việc cảng chậm hoàn thành để đưa vào khai thác cũng khiến ngân sách địa phương sẽ thất thu khoảng 1.440 tỷ đồng.
“Đây mới là số tiền thiệt hại mà chúng tôi có thể tính toán được, còn thiệt hại nặng nề nhất chính là Nhà nước không thu được thuế từ các hoạt động của cảng, trong khi doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, mất uy tín với khách hàng, đối tác. Nếu sự việc còn kéo dài như thời gian qua và không có cơ quan nào đứng ra xử lý cho doanh nghiệp thì thiệt hại của chúng tôi còn nhiều hơn nữa”, ông Hóa nói.
Theo ông Hóa, đến nay, Cty cũng không thể hiểu vì sao việc khai thác tàu đắm bị đình trệ lâu đến vậy. Nếu để việc khai quật được xã hội hóa theo đúng tinh thần của Luật Di sản và Quyết định 571 của UBND tỉnh Quảng Ngãi thì sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Về những vướng mắc của Công ty Hào Hưng, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi nói rằng, đến nay, việc trục vớt tàu cổ ở khu vực bến cảng Cty Hào Hưng do Bộ VH-TT-DL chủ trì và thời gian khai quật cụ thể thế nào thì Sở không biết và vẫn phải chờ.
“Là một doanh nghiệp tư nhân liên tiếp nhiều năm lọt top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu lâm sản lớn của cả nước, chúng tôi chỉ mong muốn các cơ quan chức năng sớm chỉ đạo cho khai quật con tàu và cổ vật để không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng và đưa vào hoạt động dự án Bến cảng chuyên dụng phục vụ chung khu kinh tế Dung Quất. Dự án bị đình trệ đã khiến DN bị thiệt hại cả trăm tỷ đồng.Trường hợp công ty không được khai quật tàu cổ đắm, thì công ty nào vào khai quật cũng được. Nhưng cơ quan chức năng phải quyết nhanh lên. Công ty chúng tôi thiệt hại quá lớn rồi”.
Ông Thang Văn Hóa, Giám đốc kiêm Chủ tịch
Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Hào Hưng