Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thang Văn Hóa, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi cho hay, việc phát hiện xác tàu cổ đắm chứa nhiều cổ vật từ thời Minh (Trung Quốc) ở thế kỷ 15 khi thi công dự án cảng chuyên dụng phục vụ Khu kinh tế Dung Quất của công ty đã khiến công ty chịu thiệt hại rất nặng nề trong suốt một năm ròng qua.
Ông Hóa cho hay, công ty đã tính toán và báo cáo đầy đủ với cơ quan chức năng về những thiệt hại của việc đình trệ dự án cầu cảng trong suốt một năm qua. Cũng vì bị buộc tạm dừng triển khai dự án, công ty đã bị các đối tác yêu cầu đền bù thiệt hại số tiển rất lớn. Cụ thể, tổng số tiền đền bù cho nhà thầu thi công lên tới hơn 12,84 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản đền bù, tiền chi phí nhân công, thuê 3 tàu hút tự hành, 3 xà lan hút, 1 xắng cạp chờ nạo vét cũng khiến công ty bị thiệt hại thêm 12 tỷ đồng. Tổng tiền lãi vay ngân hàng và tiền lãi đầu tư của doanh nghiệp phải chịu trong suốt 12 tháng qua cũng lên tới hơn 56,8 tỷ đồng. Ước tính lợi nhuận của doanh nghiệp bị thiệt hại đến ngày 31/102018 (thời điểm dự kiền khai quật xong tàu cổ) lên tới 20 tỷ đồng.
Theo đại diện Công ty Hào Hưng Quảng Ngãi, ngoài việc thiệt hại trực tiếp vì toàn bộ dự án thi công cầu cảng bị đình trệ, đến nay, đang bị thiệt hại kép khi được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để khai quật con tàu.
Theo ông Hóa, mặc dù Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phê duyệt phương án khai quật tàu cổ tại vùng biển Dung Quất (Quảng Ngãi) của Bảo tàng Lịch sử quốc gia với tổng kinh phí 48,4 tỷ trích từ ngân sách nhà nước. Trong các khoản mục này, kinh phí khai quật, trục vớt, nghiên cứu, bảo quản, xử lý bước đầu hiện vật và xác tàu là 39 tỷ, chi phí điều tra, khảo sát, thăm dò, lập phương án khai quật hết 1,3 tỷ và với tới 8 tỷ đồng kinh phí dự phòng. Ngoài ra, Bộ này còn đề xuất trích 10 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh để hỗ trợ bộ đội biên phòng, công an địa phương tham gia bảo vệ hiện trường từ khi phát hiện tàu đắm đến khi hoàn tất việc khai quật.
Dù có kinh phí được phê duyệt như vậy nhưng đến nay Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam đều phải thuê nhân sự, máy móc của Hào Hưng Quảng Ngãi để thực hiện việc khai quật. Mang tiếng là thuê nhưng giá cả thuê phương tiện cũng như tiền tạm ứng thuê phương tiện đến nay vẫn chưa được đưa ra cụ thể như thế nào.
“Chúng tôi đã chịu thiệt hại cả năm trời qua, dự án không triển khai được, vốn vay ngân hàng phải trả đều giờ phải tiếp tục móc tiền túi để hoàn tất việc khai quật tàu theo hợp đồng với Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam. Chúng tôi buộc nhận khai quật con tàu cũng chỉ muốn làm nhanh để tập trung dự án cầu cảng. Đến giờ thiệt hại của công ty quá lớn mà chả ai ngó ngàng đến cho chúng tôi”, ông Hóa nói.
Nhiều hạng mục công trình cầu cảng phải phá bỏ làm lại từ đầu vì bị nước biển làm rỉ sét do dự án bị đình trệ
Không biết “kêu” cửa nào
Về những thiệt hại của doanh nghiệp, tại buổi lễ khởi công khai quật khảo cổ học tàu cổ Dung Quất được tổ chức ngay tại cảng của công ty ngày 9/7 vừa qua ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cũng lần đầu tiên lên tiếng trước những thiệt hại của doanh nghiệp sau cả năm trời doanh nghiệp “kêu trời, trời không thấu”. “Tôi thay mặt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi chân thành xin lỗi công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi. Công việc bị đình trệ như vậy nên một lần nữa xin lỗi công ty khi đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh tế của công ty”, ông Nguyễn Minh Trí nói.
Theo ông Trí, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi đã chịu rất nhiều thiệt thòi trong quá trình phát hiện ra con tàu. Việc tuân thủ đúng theo các quy định pháp luật và tính trách nhiệm của công ty trong việc bảo tồn cổ vật theo đúng Luật Di sản đã khiến việc thi công dự án cầu cảng vốn đầu tư tới 2.000 tỷ đồng của công ty bị đình trệ.
“Một dự án đầu tư lên tới 2.000 tỷ đồng bị đình trệ, doanh nghiệp thiệt hại cả trăm tỷ đồng mà đến nay không có bất cứ phương án nào được đưa ra để hỗ trợ, giải quyết cho doanh nghiệp. Đi gõ cửa khắp các cơ quan của tỉnh thì bị đẩy lên bộ, giờ cũng không có ai xem xét giải quyết thiệt hại cho chúng tôi. Nhiều người từng nói với chúng tôi là biết bị thiệt hại lớn thế này thì trước đây khi phát hiện xác tàu cổ đã không báo cho cơ quan chức năng. Doanh nghiệp càng tuân thủ đúng quy định pháp luật càng bị khổ thế này”, ông Thang Văn Hóa nói.
Về những vướng mắc liên quan đến khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất (xã Bình Thuận, H.Bình Sơn), UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng xem xét, chỉ đạo để giải quyết những tồn tại của công ty Hào Hưng Quảng Ngãi.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, vướng mắc lớn nhất của việc khai quật tàu cổ là hiện nay là chưa giải quyết kiến nghị bồi thường thiệt hại theo đề nghị của doanh nghiệp do chưa có quy định gây thiệt hại cho các bên liên quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Để đẩy nhanh tiến độ khai quật tàu cổ, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đề xuất Bộ VH-TT-DL xem xét cho Công ty TNHH một thành viên Hào Hưng Quảng Ngãi được thanh toán chi phí tham gia khai quật bằng hiện vật. Tỷ lệ phân chia hiện vật cụ thể do Bộ VH-TT-DL quyết định.