Ngoài việc thông tin trên sẽ có tác động lớn đến thị trường địa ốc vùng xung quanh dự án, nhất là huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và khu Đông TP.HCM, thì dự án cây cầu này được kỳ vọng sẽ biến Nhơn Trạch thành "Phố Đông" mới trong tương lai không xa.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch. Cầu Cát Lái khi được xây dựng kỳ vọng "đánh thức" vùng đất Tây - Bắc của huyện Nhơn Trạch, đặc biệt các vùng cảng của huyện sẽ được kết nối thuận tiện hơn.
Một chuyên gia kinh tế chỉ ra "cánh cung" phát triển kinh tế ở phía Nam, từ khu vực Bến Lức (tỉnh Long An) vòng về Bình Dương, Đồng Nai và kết thúc ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong dải cánh cung này, Đồng Nai có lợi thế phát triển công nghiệp - dịch vụ và bất động sản cao nhất.
Theo quy hoạch vùng đô thị TP.HCM, Đồng Nai có 3 đô thị là: TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch và TX.Long Khánh. Đánh giá về không gian phát triển đô thị này, TS. Trần Du Lịch cho rằng ít nơi có được, đặc biệt là đô thị Nhơn Trạch. TS Lịch cũng lưu ý, chỉ cần có cầu Cát Lái thì Nhơn Trạch sẽ phát triển tương tự như quận 2 của TP.HCM, thậm chí phát triển đô thị ở Nhơn Trạch đẹp hơn rất nhiều so với Nam Sài Gòn vì ở đây địa thế tốt.
Một số chuyên gia khác cũng nhận định rằng hơn 15 năm qua, khu đô thị Nhơn Trạch đã "ngủ yên" và vẫn chưa lên được thành phố như kế hoạch đề ra, bởi nơi đây thiếu hạ tầng kết nối và chỉ tập trung vào phát triển công nghiệp, mà công nghiệp thì không bao giờ trở thành đô thị mà phải là thương mại, dịch vụ.
Do vậy, thời gian gần đây TP.HCM và Đồng Nai đã làm việc với nhau cùng hợp tác phát triển nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối quy mô lớn, nhằm chuẩn bị đón đầu cho cảng hàng không Long Thành ra đời.
Mới đây nhất, dựa trên nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ làm việc với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để bàn phương án xây dựng cầu Cát Lái sớm nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp Long Thành, Nhơn Trạch ra cảng ở TP.HCM và ngược lại.
Theo đó, Cầu Cát Lái có tổng chiều dài cầu và đường dẫn dài 4,5km, vận tốc 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư với 4 làn xe là vào khoảng 5.700 tỷ, trong đó giải phóng mặt bằng cho cả 2 địa phương là 1.225 tỷ.
Trước đó, tỉnh Đồng Nai cũng cho biết đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, TP.HCM và Long An để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho dự án Đường Vành đai 3 được đầu tư nhanh chóng.
Theo đó, tuyến đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch - TP.HCM dài hơn 30km. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP.HCM) đến đường 25B tại trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17km.
Dự kiến trong quý 3 năm nay sẽ khởi công trước đoạn 1A từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường 25B. Tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, gồm 190 triệu USD (tương đương 4.180 tỷ đồng) vay từ EDCF và gần 1.150 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam, trong đó tiền của tỉnh chi trả cho giải phóng mặt bằng trên 470 tỷ đồng.
Song song đó, khi trình bày về hệ thống giao thông kết nối với Sân bay Long Thành, Sở Giao thông - vận tỉnh Đồng Nai mới đây cũng đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho triển khai xây dựng tuyến đường 25C đoạn từ hương lộ 19 (huyện Nhơn Trạch) đến quốc lộ 51 và đoạn từ các khu công nghiệp Nhơn Trạch đến đường vành đai 3 (TP.HHCM).
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch, một dự án giao thông khác là tuyến đường 25B mở rộng đã được hoàn thiện các thủ tục và chuẩn bị triển khai xây dựng. Sau khi xây dựng hoàn thiện, sẽ hình thành mạch nối thông suốt TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương.
Đặc biệt, Đồng Nai và TP.HCM cũng đang làm việc cùng nhau để hình thành phương án đầu tư tuyến đường sắt nhẹ kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Long Thành, có 2 nhà ga lớn đặt tại Thủ Thiêm và Nhơn Trạch.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng những dự án này kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường bất động sản ở Nhơn Trạch khởi sắc hơn trong thời gian tới, sau một thời gian khá dài im ắng bởi những quy hoạch cũ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng tiến hành rà soát toàn bộ các dự án ở khu đô thị Nhơn Trạch, qua đó thu hồi những dự án không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả để giao cho chủ đầu tư mới có năng lực hơn.
Cũng theo vị chuyên gia này, hơn 10 năm trước, Nhơn Trạch từng được kỳ vọng sẽ là một thành phố mới phát triển nhanh chóng, là vệ tinh đắt giá của TP.HCM, một "Đông Sài Gòn" sầm uất. Song vì nhiều lý do, quy hoạch và phát triển đô thị Nhơn Trạch hơn 10 năm qua vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn còn "thành phố ma"...
Tuy nhiên, tình hình này đang thay đổi nhanh chóng, một điểm nhấn rất lớn là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thông qua và hiện đang bắt tay vào thực hiện giai đoạn đầu đã đem đến cho Nhơn Trạch thêm nhiều lợi thế cho tương lai. TP.HCM cũng đang thể hiện tầm quan trọng trong việc kết nối thành phố với Nhơn Trạch tương lai khi liên tục phê duyệt các dự án nâng cấp và mở rộng đường và các nút giao thông dẫn từ quận 2 và quận 9.
Nói về triển vọng thị trường địa ốc ăn theo quy hoạch đô thị Long Thành, Nhơn Trạch và vùng đô thị mở rộng TP.HCM, một chuyên gia nghiên cứu thị trường địa ốc của CBRE Việt Nam khẳng định đang xuất hiện "khu tứ giác BĐS mới" tại những khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành và chính vì thế hơn 2 năm qua nhiều doanh nghiệp địa ốc trong và ngoài nước dành sự ưu tiên lớn cho nơi này.
"Mặc dù, theo kế hoạch dự kiến đến năm 2025 giai đoạn 1 của dự án mới được đưa vào vận hành thương mại, nhưng trong 2 năm trở lại đây thị trường BĐS của vùng tứ giá này đang bước vào một cuộc cạnh tranh rất gay gắt. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp địa ốc ồ ạt rót vốn phát triển các khu đô thị, giá đất cũng đang thiết lập mặt bằng mới, tăng khoảng 20-40% so với hơn 1 năm trước", vị chuyên gia nghiên cứu này cho hay.