Ban đầu được giao cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhưng bằng hình thức hợp tác đầu tư và chuyển nhượng vốn góp lòng vòng, cuối cùng dự án bất động sản này đã rơi vào tay tư nhân.
Đường đi của 45% vốn góp
Như VietNamNet đã thông tin, cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố các bị can trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận).
Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Văn phòng Thành uỷ TP.HCM. Cùng với dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Công ty Tân Thuận được giao làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư Ven Sông Tân Phong, P.Tân Phong. Q.7, TP.HCM (KDC Ven Sông).
Theo kết luận điều tra, tháng 5/1999, Công ty Tân Thuận được Ban Tài chính quản trị Thành uỷ (nay là Văn phòng Thành uỷ) chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án KDC Ven Sông.
Tháng 8/2000, Ban quản lý khu Nam chấp thuận cho Công ty Tân Thuận được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án KDC Ven Sông.
Dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong thuộc khu đất số 4, một phần dự án KDC Ven Sông. |
Ngày 12/11/2001, UBND TP.HCM có quyết định giao đất cho Công ty Tân Thuận để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KDC Ven Sông – Khu đô thị mới Nam Thành phố. Dự án có quy mô 26,9ha, được chia thành 4 khu.
Quá trình triển khai dự án, Công ty Tân Thuận đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), tỷ lệ góp vốn đầu tư dự án mỗi bên 50-50. Công ty Tân Thuận vẫn là chủ đầu tư dự án.
Theo thoả thuận giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Sadeco, mỗi bên lần lượt nhận khu đất số 4 (31.967m2) và số 2 (18.350m2). Hai khu đất số 1 và số 3 (tổng diện tích 218.911m2), hai bên sẽ cùng phối hợp thực hiện.
Khi thực hiện dự án tại khu đất số 4, Công ty Tân Thuận có nhiều sai phạm. Cụ thể, năm 2008, công ty ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (Công ty HAGL) với tỷ lệ 55:45 để đầu tư xây dựng dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong tại khu 4 – KDC Ven Sông.
Sau khi hai bên ký hợp đồng, dự án bị dừng triển khai vì liên quan đến quy hoạch nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ.
Đến năm 2012, Công ty HAGL chuyển nhượng 45% vốn góp này cho công ty con, là Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh. Cuối năm 2015, Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh tiếp tục chuyển nhượng 45% vốn góp này cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Công ty QCGL).
Từ đơn vị hợp tác trở thành chủ đầu tư dự án
Tháng 12/2015, Công ty QCGL có văn bản đề nghị Công ty Tân Thuận chuẩn bị tài sản thế chấp để vay vốn triển khai dự án hoặc chuyển nhượng tiếp 55% còn lại cho Công ty GCGL để công ty này thực hiện dự án.
Sau khi nhận đề nghị này, ông Trần Công Thiện - TGĐ Công ty Tân Thuận đã báo cáo và được ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) công ty, thống nhất chuyển nhượng 45% trong tổng số 55% vốn góp tại dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong cho Công ty QCGL.
Với mục đích thẩm định giá để “hợp tác đầu tư”, tháng 1/2016 ông Thiện đã ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá và giá trị bình quân khu đất số 4 thuộc dự án KDC Ven Sông được xác định là 17,6 triệu đồng/m2.
Sau đó, ông Thiện tổ chức họp hội đồng xây dựng giá để xây dựng giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp với giá 19,5 triệu đồng/m2.
Cơ quan điều tra xác định, hội đồng xây dựng giá đã sử dụng sai mục đích chứng thư thẩm định giá, chứng thư là “hợp tác đầu tư” nhưng lại được sử dụng làm mục đích chuyển nhượng vốn góp. Dù không đúng quy chế xây dựng giá bất động sản trong kinh doanh công ty nhưng các thành viên vẫn thống nhất.
Dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong hiện nay. |
Đầu tháng 2/2016, ông Thiện ký biên bản làm việc với Công ty QCGL thống nhất giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp của Công ty Tân Thuận với giá 20 triệu đồng/m2.
Trên cơ sở đó, HĐTV Công ty Tân Thuận thống nhất thông qua đề xuất chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp cho Công ty QCGL với giá 20 triệu đồng/m2. Nội dung tờ trình này sau đó được Văn phòng Thành uỷ chấp thuận, giá chuyển nhượng là 186,2 tỷ đồng.
Sau khi nhận chuyển nhượng 45% vốn góp, tháng 9/2017 Công ty QCGL lại có văn bản đề nghị được mua tiếp 10% vốn còn lại của Công ty Tân Thuận và lập thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty QCGL làm chủ đầu tư.
Cũng với quy trình thuê đơn vị thẩm định giá rồi họp hội đồng xây dựng giá, các thành viên hội đồng xây dựng giá Công ty Tân Thuận cuối cùng thống nhất hoán đổi 10% vốn góp còn lại thành sàn căn hộ, đơn giá hoán đổi là 23 triệu đồng/m2.
Ngày 20/9/2017, ông Thiện ký biên bản làm việc với Công ty QCGL thống nhất phương án nói trên. Tờ trình về nội dung này sau đó được Văn phòng Thành uỷ chấp thuận chủ trương.
Tuy nhiên, cuối tháng 11/2017 ông Thiện ký hợp đồng chuyển nhượng dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong cho Công ty QCGL với giá 20 triệu đồng/m2. Việc không thực hiện xây dựng giá lại, dẫn đến giá chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc thị trường, gây thiệt hại cho nguồn vốn Nhà nước tại công ty.
Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp Thành phố, việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 45% vốn góp và hoán đổi 10% vốn góp thành sàn căn hộ cho Công ty QCGL đã gây thất thoát 80 tỷ đồng.
Phương Anh Linh