Giao vốn được 75%
Thưa ông, tiến độ giải ngân gói đầu tư công hơn 107 nghìn tỷ đồng được thành phố đánh giá là vẫn chậm, ông cho biết đâu là nguyên nhân của việc này?
Sở dĩ kế hoạch giải ngân đầu tư công tại Hà Nội đến thời điểm này chưa được như kỳ vọng, có mấy nguyên nhân. Thứ nhất, đây là giai đoạn phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, do vậy việc phê duyệt các danh mục dự án phải được HĐND thành phố duyệt vào tháng 12 hàng năm. Từ thực tế trên, tuy năm 2016 là triển khai nhưng tháng 10/2017 Quốc hội mới phê duyệt kế hoạch đầu tư công, tháng 12/2017 HĐND thành phố mới họp và thông qua.
Như vậy là kế hoạch giải ngân gói đầu tư công của giai đoạn này bị chậm 2 năm. Thứ hai, Luật Đầu tư công mới ra có rất nhiều vướng mắc, vừa rồi Chính phủ, Quốc hội có cho chủ trương sửa nhưng hiện vẫn còn chậm, nhiều nội dung thực hiện theo luật còn khó tháo gỡ. Thứ ba, đơn giá định mức theo Nghị định 68/2019 của Chính phủ đã ban hành nhưng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, để triển khai ở Hà Nội vừa rồi thành phố đã ủy quyền cho Sở KH&ĐT có văn bản tháo gỡ.
Đơn vị thay mặt thành phố thực hiện các dự án đầu tư công là các ban quản lý (BQL) dự án được sắp xếp theo hướng tinh gọn, tinh nhuệ, tinh giảm bộ máy khi từ 71 BQL được tổ chức thành 6 BQL. Từ những thực tế trên, đã làm cho tỷ lệ giải ngân của thành phố Hà Nội trung bình hàng năm đạt 85% kế hoạch, so với tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước, tỷ lệ này vẫn cao hơn.
Đặc biệt sau khi được UBND thành phố đề xuất, HĐND thành phố đã thông qua việc chuyển vốn đầu tư từ các dự án thi công chậm sang dự án thi công tốt, việc này giúp nhiều dự án đang có tiến độ thi công đảm bảo như cầu vượt hồ Linh Đàm, cầu vượt nút Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Chí Thanh, đường nối Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được thông xe vào quý 4 năm nay. Mục tiêu của thành phố trong năm nay là giải ngân đạt 100% kế hoạch năm.
Qua thực tế, chúng tôi ghi nhận công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), cơ chế và sự phối hợp thi công dự án đang là những tồn tại lớn?
Đúng như báo phản ánh, trong quá trình triển khai dự án tại hiện trường đang có 2 cái khó khăn lớn nhất. Bao gồm: công tác bồi thường GPMB và yếu tố con người mà cụ thể là thủ tục đầu tư, sự phối hợp.
Về công tác GPMB, vướng chủ yếu hiện nay là các thủ tục về đất đai, trong đó có công tác chi trả tiền đền bù thường bị chậm do vướng thủ tục. Để tháo gỡ việc này, vừa rồi Chính phủ đã cho Hà Nội chủ trương là thực hiện như TPHCM trong việc ứng tiền để chủ động chi trả công tác đền bù mặt bằng. Đây là một sự tháo gỡ quan trọng để công tác GPMB được đẩy nhanh trong thời gian tới.
Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi với phóng viên Tiền Phong Ảnh: T.Đảng
Với thủ tục hoàn thiện hồ sơ dự án, vừa rồi khi làm việc với một số bộ, ngành liên quan, tôi đã đề xuất với các dự án công đặc thù các bộ, ngành nên ủy quyền cho lãnh đạo thành phố phê duyệt thiết kế cơ sở. Hiện chỉ tính riêng thủ tục này, nếu trình và được bộ, ngành duyệt phải mất nhiều tháng trời.
Về sự phối hợp giữa BQL và các sở ngành, quận, huyện, qua thực tế triển khai công việc, chúng tôi nắm bắt được, nhiều lúc lãnh đạo các đơn vị này nói ra các tồn tại với nhau cũng rất khó. Do vậy, bây giờ tôi giao cơ chế rằng: thẩm quyền của anh đến đâu xử lý công việc đến đấy, nếu không giải quyết được báo cáo ngay cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách. Trường hợp Phó Chủ tịch phụ trách không giải quyết được thì cần triệu tập cuộc họp giữa các bên, tôi sẽ dự và chủ trì để tháo gỡ, kể cả ngoài giờ.
Xóa dự án vắt qua nhiều nhiệm kỳ
Trong loạt bài vừa qua, Tiền Phong có nêu một số dự án đầu tư công vắt qua nhiều nhiệm kỳ chưa xong, đâu là nguyên nhân, nhiệm kỳ này có còn tồn tại dự án chậm tiến độ?
Với dự án đường Văn Cao - Hồ Tây (thi công 13 năm vắt qua 3 nhiệm kỳ - PV) sở dĩ đến nay vẫn chưa xong do hai nguyên nhân. Thứ nhất, sau khi dự án thi công đến đường Thụy Khuê, Hội Khảo cổ học cho rằng, bên dưới có di tích lịch sử nên cần phải khảo sát, đánh giá lại. Dự án phải dừng mấy năm. Sau đó do không phát hiện được gì nên dự án được tiếp tục thi công. Nhưng khi thi công qua nút giao Thụy Khuê lại vướng nhà của hơn 80 hộ tại Bộ Tư lệnh công binh chưa chịu hợp tác, bàn giao mặt bằng, khiến dự án chậm nhiều năm nay.
Để tháo gỡ việc này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay tôi đã có 20 lần họp và làm việc với Bộ Quốc phòng. Đến thời điểm hiện nay, sau khi thành phố đã áp dụng thêm một số chính sách hỗ trợ, đã có 54 hộ chấp nhận di dời, còn 20 hộ chúng tôi đang tiếp tục tiếp xúc, vận động và thực hiện các giải pháp kèm theo để trong tháng 6 giải phóng xong mặt bằng, cuối năm nay sẽ thi công xong dự án.
Tại dự án cải tạo, mở rộng đường Ngọc Hồi - Văn Điển (chậm 7 năm - PV) có ba nguyên nhân dẫn đến dự án chưa hoàn thành. Gồm: nguồn gốc đất các hộ dân phức tạp, không rõ ràng, phân kỳ đầu tư dự án ra nhiều đoạn, vốn đầu tư không được cấp đủ. Từ thực tế trên, thời gian qua tôi đã họp tháo gỡ và cả tiếp dân khoảng 10 buổi. Nhìn chung hiện nay các khó khăn đã cơ bản được tháo gỡ và chỉ chờ được giải ngân vốn để triển khai. Thành phố cũng vừa bố trí đủ toàn bộ vốn để dự án gấp rút thi công hoàn thành trong năm nay.
Với dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, có nguyên nhân dự án bị chia nhỏ làm nhiều tiểu dự án với những bộ hồ sơ thi công độc lập khác nhau. Theo đó, để dự án triển khai các cơ quan liên quan phải thực hiện 5 bộ hồ sơ, gồm đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ, Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, đến gói 2 cầu vượt… mỗi bộ hồ sơ như vậy là một lần trình, thẩm định phê duyệt mất cả năm. Năm 2016 tôi đã chỉ đạo làm một bộ hồ sơ trong đó có 5 thành phần dự án để trình, thẩm định, ký một lần. Do vậy, năm 2018 vừa qua, dự án đã được phê duyệt tổng thể để triển khai. Với công tác GPMB, thành phố đã yêu cầu giải phóng tại ở khu vực nút giao Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh trước để tháng 8 năm nay dự án sẽ khởi công 2 cầu vượt trước, sau đó sẽ làm tiếp các đoạn còn lại chứ không chờ có mặt bằng tổng thể rồi mới thi công.
Mất hơn 2 năm, hồ sơ mới đến tay lãnh đạo Chính phủ
Thưa ông, để đẩy nhanh tiến độ dự án đồng thời gỡ tắc cho giải ngân đầu tư công, hiện thành phố có những giải pháp gì mang tính đột phá?
Đã là dự án đầu tư công thì nguyên tắc đầu tiên là phải thực hiện đầy đủ các bước, quy trình. Tuy nhiên, với tình hình thực tế, thành phố đang linh động áp dụng những chính sách, quy trình làm việc làm sao cho tinh gọn, hiệu quả.
Tuy nhiên, tôi dẫn một vụ việc cụ thể để thấy rằng, thủ tục hoàn thiện hồ sơ một dự án đang mất quá nhiều thời gian. Cụ thể, dự án đường đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Do là dự án nhóm A nên hồ sơ sau khi được thông qua các cơ quan thẩm quyền tại Hà Nội, tiếp tục được trình các bộ, ngành có liên quan thẩm định, cho ý kiến. Theo đó, tháng 3/2016 hồ sơ dự án được thành phố trình lên bộ, ngành nhưng đến tháng 12/2018 - tức là hết 755 ngày (hơn 2 năm), hồ sơ mới đến tay lãnh đạo Chính phủ cho chủ trương triển khai.
Với công tác GPMB, thay vì phải thông qua Ban GPMB của thành phố như trước đây, nay công tác này do Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo trực tiếp. Do vậy, từ nay tất cả các BQL, sở ngành quận huyện nếu gặp vướng mắc mặt bằng, cần gọi hoặc báo cáo trực tiếp chủ tịch thành phố.
Cùng với đó, Thành ủy và UBND thành phố vừa qua đã thống nhất thành lập một Ban Chỉ đạo - Tổ công tác đặc biệt để giám sát, chỉ đạo và đôn đốc các sở ngành quận huyện thực hiện các nhiệm về giải ngân đầu tư công. Tổ công các này thường trực là các Phó Chủ tịch UBND thành phố, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở thực tế, vướng đến lĩnh vực nào thì đồng chí Phó chủ tịch phụ trách mảng đó tiếp nhận, trực tiếp tháo gỡ.
Ngoài ra lãnh đạo các quận, huyện cũng là thành viên của tổ công tác này, do vậy ngoài giám sát, làm nhiệm vụ chung, lãnh đạo mỗi quận huyện cũng phải sát sao thúc đẩy công tác giải ngân tại đơn vị mình. Trong trường hợp, quận huyện, và các BQL dự án không giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao thì coi như lãnh đạo các đơn vị này không hoàn thành nhiệm vụ, không xem xét các tiêu chí công tác năm. Cùng với đó, thành phố sẽ thu hồi lại số lượng vốn đã phân bổ bị tồn đọng và xem xét số lượng cấp cho các năm tiếp theo.
Cảm ơn ông!