Tiến độ ì ạch…
Tháng 10/2021, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện trao giấy chấp thuận đầu tư Dự án điện khí LNG Quảng Ninh cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni trong lễ khởi động dự án. Tuy nhiên sau hơn 1 năm, dự án vẫn chưa tiến hành khởi công để thực hiện triển khai xây dựng nhà máy theo tiến độ đặt ra.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc và được kỳ vọng góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh”.
Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 60ha tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) với quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư trên 47.000 tỷ đồng, sử dụng nhiên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng (ảnh minh họa)
Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 60ha tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) với quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư trên 47.000 tỷ đồng, sử dụng nhiên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Được biết, tại lễ khởi động đại diện liên doanh nhà thầu khẳng định nỗ lực triển khai và cam kết đưa dự án đi vào vận hành phát điện năm 2026-2027 theo đúng tiến độ được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sau khi được trao giấy chấp thuận đầu tư, các nhà đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để phấn đấu hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư trong quý II/2022. Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai thi công xây dựng nhà máy, lựa chọn đầu tư dây chuyền thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, đảm bảo hoàn thành, đưa tổ máy số 1 vào phát điện trong năm 2026.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, với quan điểm đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ, thiết lập ngay cơ chế thông tin liên lạc 24/7 để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư liên quan đến việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, bồi thường GPMB...
Theo quy hoạch, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được xây dựng trên diện tích khoảng 56ha tại phường Cẩm Thịnh - TP Cẩm Phả (ảnh báo Quảng Ninh)
Theo đó, tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan, như: Sở Công Thương hỗ trợ nhà đầu tư trong việc báo cáo Bộ Công Thương, các cơ quan Trung ương thẩm định dự án. UBND TP Cẩm Phả có trách nhiệm làm đầu mối cùng với nhà đầu tư làm việc cụ thể với các đơn vị ngành than để có phương án cung cấp vật liệu san nền là đất đá thải mỏ cho dự án.
Sở Xây dựng, Sở TN&MT hỗ trợ nhà đầu tư tính toán phương án nạo vét, đổ thải với khối lượng khoảng 4 triệu m3 và làm việc với các đơn vị liên quan về vị trí đổ thải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
TP Cẩm Phả đẩy nhanh công tác GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư; Sở TN&MT, Sở Tài chính hỗ trợ nghiên cứu, xác định sơ bộ giá thuê đất, thuê mặt nước của dự án, làm cơ sở tính toán chi phí và xác định hiệu quả đầu tư trong báo cáo nghiên cứu khả thi...
Kỳ vọng lớn từ Dự án…
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 tại Văn bản số 1409 ngày 17/10/2020. Theo đó, cùng với 7 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động với tổng công suất 5.640MW, đây là dự án nhiệt điện khí đầu tiên tại Quảng Ninh sẽ góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh”.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án điện khí LNG Quảng Ninh là một lỳ vọng lớn của tỉnh, trong bối cảnh tài nguyên than cho nhiệt điện ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng sẽ tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp số thu ngân sách và nguồn cung việc làm ổn định trong giai đoạn tới. Từ đó có những bước đi mạnh mẽ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tháng 10/2021, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện trao giấy chấp thuận đầu tư Dự án điện khí LNG Quảng Ninh cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni trong lễ khởi động dự án. Tuy nhiên sau hơn 1 năm, dự án vẫn chưa tiến hành khởi công để thực hiện triển khai xây dựng nhà máy theo tiến độ đặt ra (ảnh báo Quảng Ninh)
Theo Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: Việc triển khai Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có ý nghĩa rất quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nhiên liệu và năng lượng của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2622/QĐ- TTg ngày 31/12/2013 và Nghị quyết số 55- NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, ngay sau lễ khởi động dự án, Sở Công Thương và các sở ngành, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong việc trình duyệt hồ sơ các thủ tục như: Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập, thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy; lập thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở; thiết kế bản vẽ thi công và cấp phép xây dựng công trình và trong suốt quá trình đầu tư xây dựng nhà máy.
Được biết, cho đến nay Dự án này vẫn chưa hoàn thành các phần việc theo tiến độ tổng thể đặt ra. Trước nguy cơ dự án bị chậm tiến độ, ông Cao Tường Huy - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu liên danh nhà đầu tư quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, yêu cầu UBND thành phố Cẩm Phả bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ngay trong tháng 11. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11 dự án vẫn này vẫn ì ạch “chậm”. Ngoài số nguyên nhân khách quan do Bộ GTVT đang làm quy hoạch chi tiết đối với tất cả các nhóm cảng biển trên phạm vi toàn quốc trong đó có cụm cảng Cẩm Phả - Quảng Ninh thuộc nhóm cảng 1 (khu vực miền Bắc) thì nguyên nhân chủ yếu vẫn do nhà đầu tư thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý quan trọng để dự án được khởi công xây dựng.
Cụ thể, tháng 7/2022, Liên danh nhà đầu tư mới hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (chậm 2 tháng). Cuối tháng 10/2022, mới thành lập doanh nghiệp dự án, tức là chậm một năm so với dự kiến nên đã gây ảnh hưởng lớn đến việc triển khai dự án. Đối với việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, cuối tháng 9/2022, Liên danh nhà đầu tư mới gửi báo cáo đến Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương (chậm 3 tháng).
Điều đáng nói là qua công tác nghiên cứu, thẩm định hồ sơ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã chỉ ra rất nhiều tồn tại như sau: Chưa có giải pháp phòng cháy, chữa cháy của thiết kế cơ sở; chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chưa có văn bản thỏa thuận, xác nhận về đấu nối hạ tầng kỹ thuật của dự án; chưa phê duyệt kết quả khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế. Chưa có báo cáo thiết kế kho cảng LNG và hệ thống tái hóa khí.
Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư bổ sung các giải pháp mang tính định hướng cho việc sử dụng hydrogen thay thế cho nhiên liệu khí tự nhiên trong tương lai khi công nghệ này khả thi.
Dự án điện khí LNG Quảng Ninh cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni trong lễ khởi động dự án
Để dự án được theo đúng tiến độ thì cần sự tích cực chung tay của các ban ngành. Đặc biệt, nếu Liên danh nhà đầu tư không khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định thì chắc chắn dự án sẽ chưa thể thực hiện được các bước tiếp theo để có thể sớm khởi công dự án.