Dự án “nóng” tranh chấp, căng băng rôn
Tối 14/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức lễ trao Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 lần thứ nhất.
Trao đổi về giải thưởng này, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Trưởng Ban Tổ chức cho biết, Giải thưởng do Hội đồng Giám khảo lựa chọn dựa trên cơ sở quá trình chấm giải độc lập, khách quan, với 13 thành viên do Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn làm Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng Giám khảo đa phần là các kiến trúc sư uy tín trong và ngoài nước, bên cạnh đó là các chuyên gia kiểm toán, luật sư, nhà báo và đại diện tổ chức quốc tế. Thông qua một hệ thống tiêu chí xét giải khắt khe với quy trình từ thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế tại các dự án, bỏ phiếu kín, kiểm toán và “hiệp y” với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương…
Dự án Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng vừa được trao giải “Khu nhà ở đáng sống nhất”, thời gian qua “nóng” với tranh chấp, kiện tụng của cư dân với chủ đầu tư. |
Sau 4 tháng phát động, Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam đã trao 54 giải cho các chủ đầu tư và dự án bất động sản với 8 hạng mục. Cụ thể: Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất (11 giải); Khu đô thị tốt nhất (6 giải); Dự án bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất (5 giải); Tòa nhà văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại tốt nhất (3 giải); Dự án khu nhà ở đáng sống nhất (10 giải); Dự án công trình xanh tốt nhất (6 giải); Sàn giao dịch bất động sản xuất sắc nhất (7 giải) và Dự án nhà ở xã hội tốt nhất (6 giải).
Tuy nhiên, ngay sau khi danh sách Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 được công bố và trao giải dư luận không khỏi bất ngờ khi trong 8 hạng mục giải thưởng có những hạng mục mà chủ đầu tư, dự án nhận giải thưởng từng bị công luận lên án về chất lượng dự án, về sai phạm chủ đầu tư.
Có thể kể đến như dự án Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng, được vinh danh là “Khu nhà ở đáng sống nhất” nhưng đây cũng là dự án nóng với tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân. Ngay từ năm 2017, khi khách hàng nhận bàn giao căn, cư dân ở đây đã nhiều lần treo băng rôn phản đối, rồi làm tranh biếm họa “tố” chủ đầu tư về việc các tiện ích và chất lượng khác xa so với quảng cáo ban đầu.
Gần đây nhất, những ngày đầu năm mới 2018, một số cư dân Imperia Garden không chịu nộp phí dịch vụ vì cho rằng quá cao so với quy định, trong khi chất lượng, số lượng tiện ích của chung cư không đúng như với cam kết ban đầu. Sau đó, đơn vị quản lý tòa nhà đã cắt nước sinh hoạt của các hộ dân trên khiến nhiều cư dân bất bình đã xuống đường căng băng rôn, thậm chí mang xô, chậu xuống sảnh chính gội đầu để phản đối, cơ quan chức năng quận Thanh Xuân phải vào cuộc.
Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm từng xôn xao dư luận với danh sách có cả người nhà và lãnh đạo của chủ đầu tư là Công ty cổ phần BIC Việt Nam. |
Hay dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm tại Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) do Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án nhận giải nhà xã hội tốt nhất nhưng thời gian qua dự án này từng làm nóng dư luận khi báo chí phản ánh đưa tin về việc “Bố tổng giám đốc được mua nhà ở xã hội”. Theo phản ánh, trường hợp ông Lục Minh Kim - hộ khẩu thường trú tại số 12S, BT2-X2, Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã “lọt” vào danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án nhà ở xã hội Rice City. Điều đáng nói, ông Lục Minh Kim là bố đẻ của bà Lục Thị Mai Trang - Tổng giám đốc và ông Lục Minh Hoàn - Phó Tổng giám đốc của BIC Việt Nam. Tuy nhiên không chỉ có trường hợp ông Kim là người thân của ông Phó Tổng giám đốc của BIC Việt Nam – chủ đầu tư dự án có tên trong danh sách này. Trong danh sách được xét duyệt mua nhà đợt 2 tại dự án Rice City đăng tải trên website Sở Xây dựng Hà Nội còn có vợ và mẹ vợ của vị Phó Phó Tổng giám đốc của BIC Việt Nam cũng “lọt” vào danh sách. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng Hà Nội đã phải vào cuộc xác minh làm rõ việc bán nhà xã hội sai đối tượng tại dự án này.
Ban tổ chức nói gì?
Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam được giới thiệu do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phối hợp với Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng và Trung tâm tin tức VTV24 – Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, dưới sự chỉ đạo, bảo trợ của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản và Bộ Xây dựng.
Trao đổi với PV VietNamNet về kết quả bình chọn, xét giải, một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay: “Bộ Xây dựng chỉ bảo trợ thôi còn thủ tục xét duyệt là do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ban giám khảo làm hết”. Nêu về những ý kiến trái chiều của dư luận vị này cho biết liên hệ với ông Nguyễn Trần Nam để trao đổi.
Liên hệ với ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Trưởng Ban tổ chức giải, ông Nam cho biết, đây là một giải chính thức và trong quy chế chọn lựa giải thưởng và các doanh nghiệp dự án được giải thưởng không phải dựa theo cảm tính mà dựa vào tiêu chí đánh giá đã được đề ra trong quy chế của giải.
“Giải cũng không đánh giá bằng tiêu chí của ban tổ chức hay những người bên ngoài mà là được đánh giá dựa trên hội đồng giám khảo có uy tín. Ban giảm khảo cũng đi kiểm tra thực tế tại tất cả các dự án không thiếu một dự án nào. Về họp bỏ phiếu kín và có biên bản. Ngoài ra còn có tiêu chí nữa tất cả những dự án này đều có sự hiệp y của chính quyền tỉnh thành phố” – ông Nam nói.
“Có một dự án trong TP Hồ Chí Minh bị loại vì thành phố không nhất trí. Một dự án khác cũng bị loại dù làm tốt nhưng trên các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ” – vị Trưởng Ban tổ chức cho biết thêm.
Ông Nam khẳng định: “Ban tổ chức đã làm rất cẩn trọng. Xem xét trên văn bản giấy tờ chứ không xét theo dư luận hay theo một vài khiếu kiện thắc mắc vì không tránh khỏi các tòa nhà cũng có những tranh chấp khiếu kiện nhất định. Mình không thể hàng vạn người dân có sự đồng lòng nhất trí hết được phải ghi nhận ủng hộ những điểm tốt”.
Trao đổi với một lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, vị này cho biết Thanh tra Sở Xây dựng không xác nhận gì liên quan đến Giải thưởng Quốc gia bất động sản Việt Nam.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Trần Nam- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 cho rằng, việc trao đổi đối với các dự án rất cẩn trọng. “Đối với dự án Thanh Hà là trao giải dự án giá rẻ tốt nhất chứ không là dự án nhà xã hội và không phải trao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp này có vi phạm này vi phạm khác, với những dự án vi phạm thì mình phải xử lý nhưng có dự án được thì phải ghi nhận. Tiêu chí là trao cho dự án chứ không phải cho doanh nghiệp” – ông Nam lý giải.
|
Sao lại gọi là Giải thưởng Quốc gia bất động sản Việt Nam? Khi bàn về giải thưởng này, ông Phạm Sỹ Liêm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, gọi là giải Quốc gia là không ổn.” Quốc gia là chỉ khi nào là Chính phủ đứng ra chứ không phải là một bộ hay một đơn vị nào đấy. Theo tôi hiểu đây là giải của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có phối hợp với Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý ngành ấy. Còn lựa chọn hay giải thưởng thực ra là hiệp hội trao. Cho nên tôi thấy danh nghĩa này là không đúng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải kiểm tra lại” – Ông Liêm nêu ý kiến.
|
Hồng Khanh