Đôi bạn Dominik & Linda
Đối với đôi bạn trẻ từ Đức đến, Stelzig Dominik và Stelzig Linda Isabel, sau khi nghỉ tại Cô Ba Home – Cần Thơ, một homestay nhỏ nhắn, cách Cồn Sơn không xa, được giới thiệu đó là hòn đảo giữa sông Hậu và du khách có dịp chuyện trò với cư dân, thưởng thức những món ăn theo khẩu vị truyền thống vùng sông nước… Sau khi nhờ chủ nhân homestay đặt bàn ăn với món lẩu cua đồng (qua nghiên cứu poster giới thiệu món ăn địa phương – quán Ven Sông cung cấp) cho bữa tối, Domi và Linda nhanh chóng làm quen với nhóm khách khác ở Cô Ba Home và ngay lập tức nhận lời rủ rê cùng đi Cồn Sơn, Bình Thuỷ sáng hôm sau.
Đôi bạn Stelzig Dominik và Stelzig Isabel và đoàn khách cùng thử món cá tra hấp ngũ vị của cô Bé Bảy, giải 3 Mekonng Chef 2017. Ảnh: K.A
Cồn Sơn nổi tiếng hơn một năm nay với loại hình du lịch cộng đồng, sản phẩm được ưa chuộng nhất lại là “không khí”. Ở đó có nhóm người cao tuổi làm du lịch cộng đồng. Hồi trung tuần tháng 10, nhóm người cao tuổi được phép thành lập câu lạc bộ “Liên thế hệ – Tự giúp nhau” trực thuộc hội Người cao tuổi phường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thuỷ, Cần Thơ.
Câu đầu tiên của các gia chủ ở đây là hãy coi như trở về nhà mình, tự động tìm ghế, thuận tay dọn một chiếc bàn chưa được lau dọn, có thể vào bếp, tự chặt dừa, lấy nước đá hoặc rủ nhau đi lòng vòng trong khu vườn hái búp sen tự trang hoàng bàn ăn. “Tía tui nói hồi xưa lớp khẩn hoang sống trượng nghĩa, cái đó quý lắm, dù thế nào mình cũng sẽ sống như vậy”, bà Phan Thị Kim Ngân, chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi khu vực 4, nói.
Du lịch cộng đồng
Mấy năm trước, một nhà vườn đi học cách làm du lịch cộng đồng, ban đầu vài người nước ngoài tới chơi, khi mùa trái chín, thuận tiện tour tuyến đường sông, giá cả và cách trò chuyện thân thiện… dòng người đổ về nhiều hơn. Thậm chí có nhiều người muốn lưu lại vài ngày, cùng ra đồng, cùng làm nông… Gia chủ được cán bộ xã kêu tới hỏi: Ông có biết, xứ của họ rất giàu, vậy họ tới đây làm nông với dụng ý gì?
ThS Nam Khang, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cộng đồng thuyết phục các nhà vườn: du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, hay giải trí, nghỉ dưỡng... trong một khoảng thời gian nhất định... và người ta chọn mua cho mình một sản phẩm hoặc một tour thích hợp. Về phía người bán thì du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng cư dân phối hợp tổ chức, điều hành và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế, bảo vệ được môi trường chung, thông qua việc giới thiệu với du khách nét đặc trưng của địa phương. Đơn giản nhất là cảnh quan, sinh hoạt, ẩm thực... để qua đó khái quát được văn hoá bản địa.
Khi xác lập được như vậy thì người bán có quyền tự hào về sản phẩm của mình, và người mua hạnh phúc khi nhận được điều mình mong đợi.
Ở Lotus du Mékong, một vườn du lịch nhỏ ở Thơm Rơm, vợ chồng du khách người Pháp đang nghỉ tại đó đã huỷ kế hoạch đạp xe lên Thốt Nốt và quay về homestay, khệ nệ ôm trái mít nói rằng người dân tặng khi thấy họ đi ngang qua nhà. Họ vui vì chuyện này, họ cảm nhận sự thân thiện từ cộng đồng và mỗi năm sau đó họ đều trở lại. Một nhà vườn làm du lịch sinh thái riêng lẻ, cho dù giỏi giang cách mấy cũng chỉ bán được những sản phẩm của họ. Trong khi một cộng đồng nhiều hộ dân làm du lịch một cách ý thức sẽ bày ra cả một không gian xóm làng, một hệ sinh thái với những ý tưởng, những sản phẩm riêng biệt và đa dạng.
Bữa cơm tự nấu
Một ngày ở Cồn Sơn là các loại bánh trái với mùi bột gạo pha nước cốt dừa nướng chín thơm lừng trên bếp than; là một nhịp sống nông thôn chậm rãi với các công việc của nhà nông. Bữa cơm trưa có ba món, đều nấu nướng từ con cá da trơn miệt sông Hậu đang chịu nhiều thiệt thòi là cá tra, và cũng là sự kết hợp ngẫu nhiên, ăn ý giữa chủ và khách.
Ở đó, bà Nguyễn Phi Vân, thành viên sáng lập công ty World Franchise Associates khu vực Đông nam Á, đồng chủ tịch công ty Retail & Franchise Asia, cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia, ngồi bên bếp củi nấu nồi cơm gạo ST để tìm lại ký ức đã trôi dạt trên đường “quảy gánh băng đồng ra thế giới”. “Cái ngon của bữa cơm tại cồn Sơn sao nó rất khác cái ngon của một khu du lịch đầu tư hoành tráng do các đầu bếp có sao chế biến”, một du khách nói.
Nhiều vị khách từ phương xa, cả khách tây lẫn khách ta, đều có chung một mong muốn là được nhìn thấy, cảm nhận, được chạm vào sinh khí hoà nhập của cộng đồng thông qua các hoạt động thường ngày, được chia sẻ ý nghĩa những việc làm và rủ nhau làm. Lúc đó, việc chi trả tiền để mua cảm nhận có ý nghĩa như sự chia sẻ, hợp lực để duy trì.
Trải nghiệm được hiểu và khai thác hết mức khi du khách xắn tay áo vào bếp và chủ nhà lặn lội đi hái lá sung vè, lá lốt, trái bần và đủ loại rau vườn khác cho món mắm sống khoai lang luộc, món nướng và kho lạt. Một bữa trưa ngon hơn hình dung của hầu hết du khách, cả “nước trong lẫn nước ngoài”.
“Cảm ơn vì tất cả”, một du khách viết. Chủ nhân Cô Ba Home, bà Nguyễn Ngọc Thu, cầm lá thư của đôi uyên ương đang tuần trăng mật Dominik và Linda: “Cảm động trước sự chân tình, tiếp đãi nồng hậu và ấm áp của người Cần Thơ, đặc biệt là người dân Cồn Sơn đã dạy cách trồng cây, nuôi cá, làm nước mắm và hạnh phúc khi được ăn những món ngon của Cần Thơ. Xin cảm ơn rất nhiều”. Bức thư cảm ơn ấy được viết tay nắn nót để trên chiếc gối đầu giường.
Ở Cồn Sơn, trong khi các nhà quy hoạch, kêu gọi đầu tư ở thì tương lai, cư dân vẫn đầu tư ở thì hiện tại. Ngày nào họ cũng cầu nguyện cho tương lai bình yên.