Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn hỏa tốc số 19045/UBND-VP gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise.
Theo công văn, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu, đề xuất thu hồi 220 ha đất tại dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise, phường An Ninh, TP Vũng Tàu theo quy định. Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/12.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại thông báo 774 ngày 2/12/2021.
Theo tìm hiểu, dự án Vũng Tàu Paradise được cấp phép vào ngày 23/4/1991 do Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise làm chủ đầu tư. Liên doanh này được thành lập từ sự kết hợp giữa đại diện phía Việt Nam là Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch quốc tế Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc UBND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu) với đối tác Đài Loan là Công ty Paradise Development and Investment.
Tổng mức đầu tư của dự án Vũng Tàu Paradise là 97,2 triệu USD, trong đó, phía Việt Nam góp 25% bằng quyền sử dụng đất của 220ha, 75% còn lại phía đối tác Đài Loan góp bằng tiền.
Ngày 7/6/1993, Công ty Dịch vụ du lịch Quốc tế Vũng Tàu đã bàn giao trên thực địa 220ha cho Công ty liên doanh để triển khai xây dựng công trình tại khu vực Bãi Sau (TP. Vũng Tàu). Đến năm 2016, dự án đã hết thời hạn theo giấy phép đầu tư.
Tuy nhiên, trên tổng diện tích đất được giao 220ha, nhiều năm qua, nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140ha (phần diện tích đã đầu tư hạng mục sân golf và khu nhà rông), còn lại 80ha (quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc) sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai. Vấn đề này đã được Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường nêu tại Kết luận số 1640/KLTr-BTNMT năm 2011.
Hơn nữa, trong quá trình xây dựng dự án, hai bên liên doanh không có sự thống nhất trong quản lý điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh như: bên ɴước ngoài chưa hoàn tất nghĩa vụ góp vốn theo quy định, không thống nhất về việc đăng ký lại doanh nghiệp và điều chỉnh thời hạn hoạt động của liên doanh.
Đến khi hết thời hạn hoạt động (năm 2016), hai bên liên doanh cũng chưa thống nhất để đưa ra được quyết định chung về kế hoạch tiếp tục thực hiện dự án, các bên trong liên doanh đơn phương có các văn bản kiến nghị được cơ cấu lại doanh nghiệp (huy động các nhà đầu tư khác) để chứng minh năng lực, xin thực hiện dự án thêm 50 năm.
Ngoài ra, thời hạn hoạt động của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise đã hết theo quy định tại giấy phép đầu tư, công ty không đăng ký lại hoạt động theo quy định Luật Đầu tư 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014. Do đó, việc chấm dứt hoạt động dự án do hết thời hạn hoạt động sẽ đồng thời chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế, do đó không còn chủ thể để gia hạn thực hiện dự án.
Về phương án xử lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất hai phương án vào tháng 11/2019.
Cụ thể, phương án 1, thu hồi 220 ha khu đất và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thì khả năng tranh chấp đầu tư quốc tế có thể xảy ra vì tài sản trên đất của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise chưa được xử lý, nội bộ liên doanh không thống nhất việc đăng ký lại doanh nghiệp để tiếp tục gia hạn hoạt động.
Phương án 2, thu hồi 220 ha khu đất, sau đó căn cứ quy định của Luật Đất đai, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép nhà đầu tư hiện tại được thực hiện dự án và áp dụng trường hợp cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Tiền thuê đất tính theo khung giá hiện hành.