Chính phủ - DNNN đối thoại ngay cuối tháng 9, hơn 460 kiến nghị đã gửi về
Sáng 18/9, buổi Tọa đàm Nâng hiệu quả DNNN do Cổng thông tin Chính phủ đã được tổ chức, chuẩn bị cho một sự kiện lớn diễn ra cuối tháng 9 này.
Diễn ra vào ngày 28/9 tới đây, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đổi mới sẽ được tổ chức với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Vướng Định Huệ, Trịnh Đình Dũng.
Tọa đàm Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị tổ chức 18/9 - Ảnh: Ngọc Linh
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính, cho biết đã có 461 kiến nghị của các Bộ, Tập đoàn, Tổng công ty được gửi đến.
Các vướng mắc khó khăn trong công tác triển khai cổ phần hóa này sẽ trình lên những người đứng đầu Chính phủ trong Hội nghị này để nhìn lại 2 năm công tác cổ phần hóa thoái vốn.
Theo ông Tiến, điều quan trọng nhất là DNNN phải nói thẳng, nói thật, công khai minh bạch tình hình. “Có vậy các Bộ ngành, chuyên gia mới có thể đưa ra giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề”.
Với số lượng kiến nghị rất lớn như trên, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định đây là điều đáng hoan nghênh, bởi mục đích cuối cùng của các kiến nghị là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhưng phía cơ quan quản lý cần xem xét để từ đó chọn lọc quan tâm tới các kiến nghị đó có phù hợp cơ chế thị trường, tiến trình hội nhập hay các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định mà Việt Nam là thành viên.
Dẫn một trường hợp cụ thể là kiến nghị của Vinachem sửa thuế GTGT của phân bón nhập khẩu từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế để doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào, ông Hùng cho rằng mọi kiến nghị đều cần phân minh. Với trường hợp này, Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá tác động của đề xuất, từ đó kiến nghị sang Quốc hội để xem xét sửa đổi luật thuế.
Từ phía Bộ Tài chính, ông Tiến cho rằng thuế chỉ là một giải pháp và cần xem xét bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, không riêng Vinachem.
“Giải pháp căn cơ là nhìn lại mình, doanh nghiệp cần nhìn thẳng vào sự thật, thắt chặt chi phí, đổi mới quản trị, đưa giá thành về mức cạnh tranh”, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp nêu.
Khi DNNN nói thẳng, nói thật, công khai minh bạch tình hình, các Bộ ngành, chuyên gia mới có thể đưa ra giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề. Thậm chí, theo ông, để doanh nghiệp phá sản, giải thể cũng là giải pháp tích cực.
Cập nhật tình hình 12 dự án thua lỗ Bộ Công Thương, ông Tiến cho biết sau một năm áp dụng các biện pháp quyết liệt, 4/12 dự án đã khôi phục sản xuất trở lại. Còn lại, 3 dự án dừng sản xuất đã hoạt động trở lại, trong đó có PVTex.
Ba dự án đang trong giai đoạn xây dựng dở dang. Trong đó, Giấy Phương Nam Nhà nước không hỗ trợ mà sẽ bán thu hồi vốn. Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học phú thọ hay dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 cũng đang cơ cấu lại, tìm nhà đầu tư để mua.
Giải phóng nguồn lực cho thành phần kinh tế khác nếu DNNN sử dụng không hiệu quả
Một quan điểm cũng được vị cục trưởng này nhắc đến tại buổi Tọa đảm: Các doanh nghiệp Nhà nước nếu không cạnh tranh được với tư nhân cũng cần lui lại để giải phóng nguồn lực cho các thành phần kinh tế khác. Ông Tiến cũng cho rằng khu vực dân doanh có nhiều doanh nghiệp mạnh.
Theo ông Tiến, 12 dự án thực chất đều là các nhà máy sản xuất các sản phẩm trọng điểm nên tiềm năng nên các dự án này không thể phủ nhận.
Cụ thể với trường hợp dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông Tiến cho hay CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng đã cho biết sẵn sàng mua thép Thái Nguyên, chỉ cần được tính đúng tính đủ, công khai minh bạch, sẵn sàng tham gia đấu giá cũng như mua nếu trúng giá đấu.
Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 dự kiến được cơ cấu lại để tìm nhà đầu tư mua. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Từ phía Quốc hội, ông Phùng Văn Hùng cho rằng trước khi đặt vấn đề bán cho ai thì hết sức cần thiết để xử lý các vấn đề về vướng mắc pháp lý hay các thủ tục pháp lý khúc mắc như xác định giá doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất, giải quyết mối quan hệ với tổng thầu EPC.
“Giải quyết vấn đề pháp lý còn quá phức tạp mới có thể hy vọng sự tham gia của nhà đầu tư tiềm năng vực dậy doanh nghiệp trở lại”, ông Hùng nêu.
Đối với vấn đề thoái vốn nhà nước, với chủ trương không giữ lại lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, thì việc bán cho tư nhân là chủ trương đúng.
Ngoài ra, Chuyên gia Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng lưu ý thêm khi thoái vốn Nhà nước đương nhiên sẽ bán cho tư nhân nhưng đối với nhà đầu tư nước ngoài, cần xem xét có ảnh hưởng lợi ích, an ninh quốc gia.
Về vấn đề quan tâm đến dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, chia sẻ với Người đồng hành, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Hòa Phát, cũng cho biết doanh nghiệp từng đăng ký mua trước đây. Tuy nhiên, theo ông Long, hiện vẫn chưa nói được điều gì vì cần kết chờ kết luận thanh tra, cũng như triển khai đấu giá. "Khi các vấn đề được minh bạch, đây cũng là cơ hội Hòa Phát hoàn toàn có thể xem xét tham gia đấu giá", ông Long nói. |