Giao dịch đã được UBND TP HCM chấp thuận theo quyết định 1051/QĐ-UBND hôm 19/3/2018.
Hồi cuối tháng 9/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thông báo tìm kiếm đơn vị có kinh nghiệm và năng lực để thẩm định giá trị khoản nợ xấu bao gồm cả tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang.
Khoản nợ xấu này VAMC đã mua lại của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Trước đó, Sacombank đã cho nhóm công ty Hoàn Cầu vay tiền (gồm: Công ty Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty Hoàn Cầu Nha Trang), tài sản thế chấp thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hoàn Cầu và đã được đăng ký giao dịch đảm bảo.
Hiện trạng hồ sơ cho thấy, tài sản đảm bảo khoản nợ đã vay là 8 quyền sử dụng đất, tổng diện tích 51.454m2 tại phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận, quận 7 (TPHCM).
Được biết ngày 12/6/2008, UBND TPHCM ra quyết định giao đất cho Công ty TNHH Hoàn Cầu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xây dựng nhà ở Khu dân cư Tân Thuận Tây tại phường Bình Thuận và phường Tân Thuận Tây, quận 7. Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà kinh doanh và tham gia chương trình tái định cư của thành phố. Sau gần 9 năm kể từ khi được giao đất, Công ty TNHH Hoàn Cầu vẫn chưa thực hiện xong hạ tầng cơ sở của dự án.
|
Một góc Khu dân cư Tân Thuận Tây |
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn vừa được thành lập tháng 4/2017 với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) nắm 45%; Công ty TNHH Thương Mại & Sản xuất Tường Việt có 45%. 10% còn lại thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đức Tiến.
Ngày 12/9/2017, các cổ đông trên đã chuyển nhượng 50% vốn trong Xuân Mai Sài Gòn cho nhà đầu tư khác. Tỷ lệ sở hữu mới tương ứng của 3 cổ đông sáng lập là 20%; 25% và 5%.
Sau đó không lâu, Xuân Mai Sài Gòn cuối tháng 9/2017 đã tăng vốn gấp 50 lần lên 1.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc Cao Việt Dũng.
Ông Cao Việt Dũng cũng là Chủ tịch HĐTV của cổ đông góp 25% vốn vào Xuân Mai Sài Gòn là Công ty TNHH Thương Mại & Sản xuất Tường Việt.
Ngoài ra, ông Cao Việt Dũng cùng một cá nhân là ông Dương Công Điệp góp vốn thành lập Công ty TNHH Nội thất Tường Việt tại 14 Phan Tôn, Quận 1.
Ông Dương Công Điệp vào giữa năm 2016 là Phó giám đốc khối kinh doanh Công ty CP Him Lam (Tập đoàn Him Lam). Bên cạnh đó, ông Dương Công Điệp còn đứng tên Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bảo Lộc có trụ sở tại 234 Ngô Tất Tố, Quận Bình Thạnh. Đây cũng là trụ sở của Tập đoàn Him Lam.
Được biết, Xuân Mai Corp là doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của ông Nguyễn Đức Cử - Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Trong khi Tập đoàn Him Lam thuộc sở hữu của ông Dương Công Minh - cựu Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.
|
Những con đường xuống cấp trong Khu dân cư Tân Thuận Tây |
Sau khi trở thành chủ đầu tư mới, Xuân Mai Sài Gòn sẽ phát triển dự án với tên Eco-Green Sài Gòn. Theo một số công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM, dự án sẽ bao gồm 6 block cao tối đa 35 tầng và cung cấp khoảng 4.000 căn hộ ra thị trường. Quy mô đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, Xuân Mai Corp tới cuối năm 2017 đã góp vào Xuân Mai Sài Gòn 90 tỷ đồng. Với tỷ lệ góp vốn 20%, doanh nghiệp này còn phải bỏ thêm 110 tỷ đồng để đạt đủ mức cam kết 200 tỷ đồng.
Năm 2017, Xuân Mai Corp đạt doanh thu hợp nhất 2.350 tỷ đồng, lãi sau thuế 99,4 tỷ đồng. Tổng tài sản tới cuối năm là 3.727 tỷ đồng, vốn điều lệ 400 tỷ đồng.
Xuân Mai hiện là chủ đầu tư hoặc liên kết thực hiện nhiều dự án lớn tại Hà Nội như Eco Green Nguyễn Xiển, Xuân Mai Sparks Tower hay Xuân Mai Riverside.