Người Hà Nội vốn dĩ đã quen với việc mua nhà, ưu ái các dự án nhà ở tại khu vực phía Tây Thủ đô hơn là khu vực bên kia sông Hồng bởi tâm lý ngại di chuyển qua sông để vào làm việc tại các quận trung tâm, vì thế, các dự án BĐS nhà ở luôn nở rộ ở phía Tây. Có tới hơn 50% tổng nguồn cung của cả thành phố được Savills ghi nhận là ở khu vực này.
Tuy nhiên, nay với việc hoàn thành nhiều cây cầu mới, tính đến nay đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng để nối khu bờ Đông và Bắc vào các quận trung tâm, cùng với đó 4 cây cầu khác sắp được xây dựng sẽ khiến quan niệm mua nhà ở của người dân Thủ đô ở khu vực này sẽ dần thay đổi.
Dòng vốn tỷ đô sẽ đổ bộ vào hạ tầng khu vực bờ Đông
Đáng chú ý nhất là mới đây Hà Nội đã thông tin sẽ triển khai xây dựng thêm 4 cây cầu mới với tổng mức đầu tư khoảng gần 2 tỷ USD bắc qua sông Hồng từ nay đến 2021. Vị trí của 4 dự án giao thông trọng điểm này đều hướng tới khu vực phát triển giữa trung tâm Thủ đô – bờ Đông – Hưng Yên.
Bên cạnh đó, ngay bản thân nội khu bờ Đông cũng đang hình thành những tuyến giao thông quan trọng để cải thiện hạ tầng khu vực, và kết nối vùng. Trong đó, UBND thành phố vừa phê duyệt đề xuất xây dựng 3 tuyến đường theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư khoảng 3.433 tỷ đồng.
Cụ thể, tuyến số 1 từ đê sông Hồng chạy qua xã Đa Tốn, xã Kiêu Kỵ nối với đường Hà Nội – Hải Phòng dài 2,4km; Tuyến số 2 điểm đầu khu đô thị Ecopark nối với đường 179 dài 3,2km; Và tuyến số 3 điểm đầu từ sông Bắc Hưng Hải, điểm cuối giao với tuyến đường Nguyễn Huy Nhuận dài khoảng 5,7 km. Quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư là 74,6ha tại khu dự án Khu đô thị Trung tâm xã Đa Tốn, vị trí xã Đông Dư, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Những tuyến đường này dự kiến hoàn thành 24 tháng không kể thời gian thực hiện công tác đền bù, GPMB.
Chờ đợi một Thủ Thiêm ở Hà Nội
Việc phát triển hạ tầng sẽ giúp người dân khu vực này cải thiện đáng kể thời gian di chuyển vào trung tâm, nay chỉ mất từ 15-20 phút di chuyển. Cùng với đó, nhiều dự án BĐS lớn như Vinhomes Long Biên, Ecopark, Việt Hưng,…đã và đang làm thay đổi diện mạo đô thị cũng như nâng tầm tiện ích ở khu vực này.
Nhiều công trình tiện ích xã hội cao cấp như trường học quốc tế, trung tâm thương mại Aeon Mall, Megamall, sân golf… mọc lên đang góp phần vào sự phát triển vượt bậc của khu bờ Đông.
Ông Dương Đức Hiển – Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, cho rằng sự phát triển của bờ Đông có nét tương đồng với Thủ Thiêm (Sài Gòn). Trước đây, do kết nối giao thông giữa Thủ Thiêm và Quận 1 chưa thuận tiện nên Thủ Thiêm không phải là nơi được người mua nhà ưa chuộng, giá nhà ở đây chỉ vào khoảng 20-25 triệu đồng/m2.
Đến khi hàng loạt cây cầu mới được xây dựng thì Thủ Thiêm trở thành "điểm nóng" thị trường BĐS Tp.HCM thời gian qua, giá nhà tăng vọt so với trước đây, nhiều dự án nhà ở mở ra, thu hút sự chú ý của thị trường.
Vì thế, theo dự báo của ông Hiển, một kịch bản tương tự như Thủ Thiêm có khả năng sẽ xảy ra ở bờ Đông sông Hồng trong năm 2018 và những năm tới.
Cảnh báo sốt ảo giá đất, rủi ro rình rập
Tuy vậy, sự phát triển nóng của thị trường cũng sẽ khiến khu vực này đối diện những hệ lụy có thể sẽ xảy ra. Đối với những khu vực phát triển nhanh và "nóng" thì người mua cũng như nhà đầu tư cần có những quyết định thông thái cho mình.
Bởi lẽ, tăng trưởng nóng bao giờ cũng sẽ đi kèm với những rủi ro rình rập. Theo ông Hiển, nhà đầu tư cần rất thận trọng trước khi "xuống tiền" đề phòng hiện tượng làm giá, "thổi giá" dự án có khả năng sẽ xuất hiện. Bên cạnh có cũng có những nguy cơ liên quan đến "bong bóng" bất động sản cục bộ ở khu vực này.
Do đó, để đảm bảo an toàn người mua và nhà đầu tư nên xem xét kỹ đến vị trí dự án, mức độ phù hợp với mục đích đầu tư/sử dụng, mức độ hoàn thiện hạ tầng giao thông xung quanh dự án, quy hoạch về việc mở đường, những quy hoạch treo…
Tựu chung lại, tiềm năng của bờ Đông Hà Nội là rõ nét, nhưng điều đó không đảm bảo giá trị cho tất cả các dự án tại khu vực này. Vậy nên chỉ có nghiên cứu một cách kỹ càng mới có thể hạn chế và tránh được rủi ro tiềm ẩn, để thành công với quyết định mua BĐS của mình.