Trong phiên làm việc chiều 22/5, Quốc hội đã lắng nghe báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) cũng như đóng góp của các đại biểu.
Trước ý kiến bổ sung về quy định thời gian cụ thể việc ra quyết định thi hành án tử hình để khắc phục tình trạng giam giữ người bị kết án tử hình quá lâu và ý kiến đề nghị cân nhắc, ngoài hình thức tiêm thuốc độc (Điều 82) cần bổ sung hình thức thi hành án tử hình khác cho phù hợp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy vướng mắc hiện nay trong công tác thi hành án tử hình chủ yếu do tổ chức thực hiện, không phải do quy định của Luật, nên Chính phủ không đề xuất sửa đổi nội dung này. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xử lý những vướng mắc trong thẩm quyền của mình với công tác này. UBTVQH cũng không trình Quốc hội sửa chữa điều khoản này.
Bên cạnh việc thi hành án tử hình, quyền và nghĩa vụ của phạm nhân là điểm được nhiều đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, do phạm nhân là người bị kết an tù, cách ly khỏi xã hội theo một thời gian nhất định của bản án, có nghĩa vụ lao động, học tập, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội nên họ không thể được hưởng tất cả các quyền công dân giống như những công dân khác đang ở ngoài xã hội.
"Việc xác định các quyền cụ thể của phạm nhân vừa phải bảo đảm tính nhân đạo nhưng cũng vừa phải bảo đảm tính nghiêm khắc của hình phạt tù; đồng thời khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét và cho rằng việc cho phép các quyền khác như quyền kết hôn, quyền hiến xác, quyền hiến mô và bộ phận cơ thể người của phạm nhân phải dựa vào những bước đi phù hợp.
Một trong những điểm khác cũng được các đại biểu tranh luận là phần thù lao trả cho các phạm nhân trong quá trình lao động. Tuy nhiên, lao động với phạm nhân là nghĩa vụ bắt buộc, không dựa trên cơ sở hợp đồng lao động nên phạm nhân không được hưởng toàn bộ tiền công lao động trong mọi trường hợp như lao động ngoài xã hội. Tuy nhiên, UBTVQH cũng bổ sung khoản 4 giao Chính phủ quy định chi tiết về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân.
Ảnh: Quochoi.vn
Trong dự thảo luật sửa đổi cũng đề cập đến thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Đây được xác định là vấn đề mới, chưa có thực tiễn ở nước ta. Sau khi cân nhắc kỹ, các cơ quan thống nhất nên giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành án là phù hợp với bản chất hoạt động thi hành án đối với PNTM là hoạt động tư pháp.
Đối với việc cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại, UBTVQH nhận thấy, cưỡng chế thi hành án, bao gồm cưỡng chế thi hành các hình phạt và cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp đối với PNTM là vấn đề phức tạp. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định nhiều hình phạt khác nhau như: đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn (5 hình thức cấm) và các biện pháp tư pháp. Mỗi hình phạt, biện pháp tư pháp đòi hỏi phải có trình tự, thủ tục thi hành cưỡng chế thích hợp.
Đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, nếu quy định cụ thể ngay trong Luật thì sẽ có thể không đầy đủ, thiếu tính khả thi, nhiều vấn đề mới chưa dự liệu được, nếu phát sinh trong thực tiễn sẽ dẫn đến phải sửa luật mới có thể thi hành. Do đó, tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định như dự thảo Luật. Theo đó, Điều 165 quy định mang tính nguyên tắc về cưỡng chế thi hành án đối với PNTM và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành.
Dự luật cũng có những điều khoản về cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự (Khoản 3 Điều 11); nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam (Điều 17) và nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự (Điều 19)….